Đức Thánh cha gặp gỡ chính quyền Congo

Photo: Vatican Media

Đức Thánh cha lên án nạn bóc lột Âu châu, đặc biệt tại Cộng hòa Dân chủ Congo, đồng thời kêu gọi chính quyền và mọi người dân ý thức trách nhiệm của mình, tránh chủ nghĩa bộ lạc, góp phần xây dựng đất nước và thăng tiến giáo dục.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Thánh cha bày tỏ lập trường trên đây, trong diễn văn đầu tiên tại Congo, tại cuộc gặp gỡ Tổng thống, chính quyền, ngoại giao đoàn và các đại diện xã hội dân sự nước này tại trụ sở Chính phủ ở thủ đô Kinshasa.

Từ phi trường, Đức Thánh cha đã đến Dinh chính phủ ở khu vực La Gombe, mạn bắc Kinshasa, nơi có phủ Tổng thống và các trụ sở chính phủ.

Đến nơi lúc 4 giờ 30 chiều, ngài đã được Tổng thống Felix Tshisekedi đón tiếp trong nghi thức ngoại giao trọng thể, trước khi hai vị hội kiến riêng.

Tổng thống Tshisekedi năm nay 60 tuổi (1963), nguyên là con của một lãnh tụ đối lập Etienne Tshisekedi qua đời năm 2017. Ông đắc cử đại biểu quốc hội Congo năm 2011 nhưng từ chối ngồi vào Quốc hội để tố giác những gian lận bầu cử. Năm 2018, ông trở thành thủ lãnh đảng Liên minh Dân chủ và tiến bộ xã hội (UDPS) và cuối năm đó ông được bầu làm Tổng thống.

Sau cuộc hội kiến riêng, Đức Thánh cha đã gặp gỡ khoảng 1.000 người tại khuôn viên dinh Chính phủ, gồm các vị lãnh đạo chính quyền, tôn giáo, ngoại giao đoàn, doanh nhân, đại diện các tầng lớp xã hội và văn hóa Congo.

Diễn văn của Đức Thánh cha

Lên tiếng sau lời chào mừng của Tổng thống Tshisekedi, Đức Thánh cha ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước Congo, quốc gia rộng lớn như một đại lục trong Đại lục Phi châu, nhưng ngài cũng nhận xét rằng “lịch sử không quảng đại lắm đối với Cộng hòa Dân chủ Congo, từ lâu bị dày vò vì chiến tranh, và tiếp tục chịu đau khổ vì những xung đột trên lãnh thổ của mình và các cuộc cưỡng bách tản cư, cũng như chịu đau khổ vì những hình thức bóc lột, khai thác kinh khủng, không xứng đáng với con người và thiên nhiên. Đất nước bao la và đầy sức sống này bị nạn bạo lực như một cú đấm vào bụng, dường như từ lâu không còn thở nữa”.

Trong bối cảnh đó, Đức Thánh cha cho biết ngài đến đây, nhân danh Chúa Giêsu, như người lữ hành hòa giải và hòa bình. Ngài nói: “Tôi mong ước mang đến cho anh chị em sự gần gũi, lòng quý mến và an ủi của toàn thể Giáo hội Công giáo”.

Đức Thánh cha ví Congo như một “viên kim cương của thiên nhiên”, khi nói: “Tất cả anh chị em quý giá hơn mọi tài nguyên nảy sinh từ phần đất phong phú này! Hãy can đảm lên, hỡi anh chị em Congo! Hãy trỗi dậy, nắm lại trong tay anh chị em như một viên kim cương rất tinh tuyền, thực tại, phẩm giá, ơn gọi của anh chị em giữ gìn căn nhà anh chị em đang ở trong sự hòa hợp và an bình”.

“Ngay từ đầu cuộc viếng thăm này, tôi muốn gửi lời kêu gọi này đến mỗi người Congo: hãy cảm thấy mình được kêu gọi đóng góp phần của mình! Đừng để bạo lực và oán thù có chỗ đứng trong con tim và trên môi miệng một người nào nữa, vì đó là những tâm tình chống lại con người và phản Kitô, làm tê liệt sự phát triển và làm thụt lùi, đưa trở lại quá khứ tối tăm”.

Lên án nạn khai thác bóc lột

Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Thật là điều bi thảm vì tại đất nước này, và nói chung là Đại lục Phi châu, người dân vẫn còn chịu đau khổ vì những hình thức bóc lột khác nhau. Thực vậy, sau chế độ thực dân về chính trị, nay bùng phát chế độ “thực dân về kinh tế”, nó cũng biến dân thành nô lệ. Vì thế, đất nước này vì bị cướp bóc rất nhiều, nên không được hưởng đầy đủ những tài nguyên rất phong phú của mình, thêm vào đó có tình trạng nghịch lý, là những hoa trái của đất nước này làm cho nó trở nên “xa lạ” đối với dân cư tại đây”. Nọc độc tham lam đã làm cho những kim cương của đất nước này trở nên đẫm máu. Đó là một thảm trạng mà thế giới, tiến bộ về kinh tế, thường nhắm mắt, bịt tai và im miệng. Nhưng đất nước và đại lục này đáng được tôn trọng và lắng nghe, đáng được không gian và sự quan tâm: hãy gỡ tay ra khỏi Cộng hòa Dân chủ Congo, rút tay ra khỏi Phi châu! Đừng làm Phi châu bị nghẹt thở nữa: đây không phải là một mỏ để khai thác hoặc một vùng đất để cướp bóc. Phi châu hãy trở thành người nắm giữ vai chính vận mạnh của mình! Thế giới hãy nhớ đến những thảm họa gây ra qua bao thế kỷ, gây hại cho các dân tộc địa phương và đừng quên đất nước và đại lục này”.

Đức Thánh cha nhận xét thêm rằng: “Khi nhìn dân tộc này, người ta có cảm tưởng cộng đồng quốc tế hầu như cam chịu bạo lực đang nhai ngấu nghiến dân chúng tại đây. Chúng ta không thể quen thuộc với cảnh máu đang đổ ra tại đất nước này từ nhiều thập niên qua, làm cho hàng triệu người chết mà không được bao nhiêu người biết tới. Hãy biết những gì đang xảy ra tại đây. Ước gì những tiến trình hòa bình hiện nay, mà tôi hết sức khuyến khích, được hỗ trợ bằng những việc làm và những lời cam kết cần được thi hành. Cám ơn Chúa vì không thiếu những người đang góp phần vào thiện ích của dân chúng địa phương và phát triển thực sự qua những dự án hữu hiệu: không phải bằng những can thiệp duy cứu trợ, nhưng bằng những kế hoạch nhắm phát triển toàn diện...”

Tránh chủ nghĩa bộ lạc và đối nghịch

Cũng trong diễn văn, Đức Thánh cha cổ võ bài trừ chủ nghĩa bộ lạc và ngoan cố chỉ tìm lợi lộc cho bộ tộc của mình hoặc tư lợi, để rồi nuôi dưỡng cái vòng oán ghét và bạo lực, gây thiệt hại cho tất cả mọi người.

Ngài nói: “Các bạn thân mến, Chúa Cha trên trời muốn chúng ta biết đón nhận nhau như anh chị em cùng một gia đình duy nhất và hoạt động cho một tương lai cùng với những người khác chứ không chống lại nhau.”

“Đặc biệt các tôn giáo, với những gia sản khôn ngoan, đều được kêu gọi góp phần của mình, trong những cố gắng hằng ngày từ bỏ mọi sự gây hấn, nạn chiêu dụ tín đồ và ép buộc, những phương thế không xứng đáng với tự do của con người. Khi người ta suy thoái đến độ áp đặt, đi săn các tín đồ một cách bừa bãi, bằng cách lừa dối hoặc bằng võ lực, thì người ta phá hoại lương tâm của người khác và quay lưng lại với Thiên chúa, vì chúng ta đừng quên rằng “nơi nào có Thần Khí của Chúa, thì nơi đó có tự do” (2 Cr 3,17).

Kêu gọi các nhà chức trách dân sự và của chính quyền

Đức Thánh cha không quên nhắc nhở các nhà chức trách dân sự và chính quyền Congo được kêu gọi hành động trong sáng, sống trách vụ đã lãnh nhận như phương thế để phục vụ xã hội. Ngài nói: “Thực vậy, quyền bính chỉ có ý nghĩa nếu nó trở thành việc phục vụ. Thật là điều quan trọng dường nào khi hành động với tinh thần đó, tránh thái độ độc đoán, tìm kiếm lợi lộc dễ dàng và ham hố tiền bạc, mà thánh Phaolô tông đồ đã định nghĩa là “căn cội của mọi sự ác” (1 Tm 6,10). Và đồng thời ủng hộ các cuộc tuyển cử tự do, minh bạch và đáng tin cậy; nới rộng hơn nữa sự tham gia của phụ nữ, người trả và các nhóm ở ngoài lề vào các tiến trình hòa bình, tìm kiếm công ích và an ninh của dân chúng, thay vì tư lợi và lợi lộc phe phái; củng cố sự hiện diện của nhà nước tại các nơi trên lãnh thổ. Không để cho mình bị lèo lái, và càng không để bị mua chuộc do những người muốn duy trì đất nước trong bạo lực để khai thác và làm những doanh vụ tủi hổ: điều này chỉ đưa tới sự mất uy tín và ô nhục, cùng với chết chóc và lầm than”.

Thăng tiến giáo dục

Sau cùng, Đức Thánh cha cổ võ các nhà chức trách Congo thăng tiến giáo dục là con đường tương lai, con đường phải theo để đưa đến nước và đại lục Phi châu đến tự do hoàn toàn. Ngài nói: “Cần cấp thiết đầu tư vào giáo dục để chuẩn bị cho xã hội được vững chắc”.

Đức Thánh cha cũng nhận xét: “Bao nhiêu là trẻ em không được đến trường; bao nhiêu em, thay vì nhận được nền giáo dục xứng đáng, thì lại bị bóc lột. Quá nhiều em chết, phải làm những công việc như nô lệ trong các hầm mỏ. Chúng ta đừng nề quản cố gắng trong việc tố giác nạn trẻ em phải lao động và chấm dứt tệ nạn này. Bao nhiêu trẻ nữ bị gạt ra ngoài lề và bị xâm phạm phẩm giá! Các trẻ em, các trẻ nữ, người trẻ là hy vọng: Chúng ta đừng để hy vọng ấy bị xóa bỏ, nhưng được vun trồng hăng say!

Kết thúc cuộc gặp gỡ với chính quyền, ngoại giao đoàn và các đại diện dâng chúng ở Congo, Đức Thánh cha về Tòa Sứ thần Tòa Thánh, chỉ cách đó 750 mét để dùng bữa tối, lúc 6 giờ 30 tối và qua đêm tại đây.

Khi tới Tòa Sứ thần, Đức Thánh cha đã được nhóm thuộc ca đoàn giới trẻ Kinshasa hát mừng những bài dân ca.

Cũng nên nói thêm rằng, trong lịch sử, tại Tòa Sứ thần này, cũng đã có một người Việt Nam phục vụ, đó là Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tốt: khi còn là tham tán sứ thần tại đây, ngài được Tòa Thánh thuyên chuyển tới Kigali, thủ đô Ruanda để làm Đại biện Sứ thần sau cuộc diệt chủng hồi năm 1994, rồi sang Benin và Togo chuẩn bị kiến thiết Tòa Sứ thần Tòa Thánh tại đây, rồi thăng Tổng giám mục Sứ thần.

Add new comment

2 + 6 =