Đức Thánh cha tiếp các linh mục và đan sĩ Chính thống Đông phương

Photo: Vatican Media

Trong buổi tiếp kiến sáng hôm 23 tháng Hai vừa qua, dành cho một đoàn các linh mục và đan sĩ Chính thống Đông phương, Đức Thánh cha Phanxicô khích lệ họ cùng tiến bước với nhau, đối thoại và mong ước sự hiệp nhất.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Chính thống Đông phương là những Giáo hội Kitô chỉ chấp nhận ba Công đồng chung đầu tiên và không chấp nhận các Công đồng khác, kể từ Công đồng Calcedonia, năm 451. Vì thế, họ cũng được gọi là các Giáo hội tiền Calcedonia. Công đồng này dạy rằng Chúa Giêsu Kitô có hai bản tính: thiên tính và nhân tính, trong một ngôi vị duy nhất. Trong khi đó, các Giáo hội Chính thống Đông phương dạy rằng chỉ có một Chúa Con duy nhất, một bản tính duy nhất của Ngôi Lời nhập thể. Thuộc về Giáo hội này, có các Giáo hội Chính thống Siriac, Malabar và Malankara bên Ấn Độ, Copte bên Ai Cập, Chính thống Armeni, Giáo hội Armeni Tông truyền, Chính thống Ethiopia và Eritrea.

Vì Đức Thánh cha bị cảm cúm, nên ngài không đọc bài diễn văn dọn sẵn nhưng trao cho các linh mục và đan sĩ để đọc riêng.

Trong diễn văn này, ngài diễn giải trình thuật của Tin mừng theo thánh Luca (24,13-35), về hai môn đệ trên đường Emmaus và nhấn mạnh ba điểm rút ra từ đó:

Trước tiên là sự đồng hành của các tín hữu Kitô, như hai môn đệ được Chúa Kitô đến gần và cùng đi, Đức Thánh cha khẳng định rằng: “Trong tư cách là tín hữu, chúng ta cũng phải tin rằng hễ chúng ta cùng đi với nhau, thì chúng ta càng được Chúa Kitô đồng hành một cách huyền nhiệm, vì hiệp nhất là một cuộc lữ hành chung.”

Điểm thứ hai là đối thoại: đối thoại bác ái, đối thoại chân lý, đối thoại về cuộc sống. Cuộc đối thoại của hai môn đệ Emmaus dẫn tới đối thoại với Chúa Giêsu; dựa trên cuộc nói chuyện của họ, Chúa Giêsu nói với tâm hồn họ, thức tỉnh, làm cho con tim họ nồng cháy khi giải thích trong toàn Kinh thánh những gì nói về Ngài.

Sau cùng điểm thứ ba là khi các môn đệ đến gần Emmaus, Chúa Giêsu làm như thể phải đi xa hơn, nhưng hai môn đệ xin Ngài ở lại với họ. Đó là ước muốn hiệp nhất với lời khẩn nguyện tha thiết, hết sức nài nỉ không biết mệt mỏi. Đức Thánh cha nói: “Vì nếu ước muốn hiệp nhất bị tắt lịm, thì tiến bước và đối thoại không đủ: tất cả sẽ trở nên điều bị bó buộc và hình thức. Trái lại, nếu ước muốn thúc đẩy mở cửa cho Chúa Kitô cùng với người anh em, thì tất cả sẽ thay đổi”. Theo Đức Thánh cha, điều có lẽ thiếu hơn cả cho các Kitô hữu thuộc các hệ phái khác nhau, là ước muốn nồng nhiệt được hiệp nhất, đi trước những lợi lộc phe phái”.

Trong số các linh mục và đan sĩ Chính thống Đông phương hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có một số đến từ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Đức Thánh cha không quên bày tỏ sự gần gũi với hai dân tộc yêu quý, ngoài chiến tranh, còn bị động đất gây nên bao nhiêu nạn nhân và tàn phá kinh khủng. Đức Thánh cha tái kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ các nạn nhân và gỡ bỏ những chướng ngại cản trở công việc cứu trợ và nói rằng: “Đứng trước đau khổ của bao nhiêu người vô tội, trẻ em, phụ nữ, các bà mẹ, các gia đình, tôi cầu mong tất cả những gì có thể đều được thực hiện cho dân chúng, và đừng có những lý do hoặc những trừng phạt cản trở những cứu trợ khẩn cấp và cần thiết cho dân chúng”.

(Rei 23-2-2023, Vatican News 23-2-2023)

Add new comment

16 + 1 =