Sứ điệp Đức Thánh cha gửi Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế

Banner for World Bank Group and International Monetary Fund virtual spring meetings | AFP or licensors

Đức Thánh cha Phanxicô kêu gọi các vị lãnh đạo tài chánh thế giới giúp kiến tạo một nền kinh tế đáp ứng những khát vọng sâu xa nhất và công ích đại đồng, thiết lập các tổ chức giúp xây dựng một hệ thống các quan hệ quốc tế để đẩy mạnh sự phát triển nhân bản toàn diện cho mọi dân tộc.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Đức Thánh cha đưa ra những lời mời gọi này, trong sứ điệp công bố hôm 8/4/2021, gửi các tham dự viên khóa họp mùa xuân trong hai ngày 8 và 9/4/2021 của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế. Đức Thánh cha được mời nhưng ngài không thể tham dự được nên cử Đức Hồng y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, chuyển sứ điệp của ngài.

Trong sứ điệp, Đức Thánh cha nhắc đến đại dịch và các nước đang đề ra kế hoạch phục hồi hậu đại dịch. Ngài hy vọng các cuộc thảo luận tại khóa họp sẽ góp phần kiến tạo một kiểu mẫu hồi phục, có khả năng tạo nên những giải pháp mới, bao gồm và lâu bền hơn để nâng đỡ nền kinh tế thực sự, giúp các cá nhân và cộng đoàn đáp ứng các khát vọng sâu xa nhất và công ích đại đồng.

Đức Thánh cha tái kêu gọi các nước giàu và các tổ chức tài chánh quốc tế ít là giảm bớt các món nợ của các nước nghèo nhất, bị đại dịch càng làm cho nghèo túng hơn. Ngài viết: “Giảm bớt gánh nặng nợ nần của nhiều nước và cộng đoàn ngày nay là một cử chỉ rất nhân bản, giúp con người phát triển, có được các vắcxin, sức khỏe, giáo dục và công ăn việc làm”.

Đức Thánh cha không quên nhắc đến món nợ về môi trường, giữa các nước giàu và nước nghèo. Thực vậy, “chúng ta mắc nợ đối với chính thiên nhiên, cũng như các dân tộc và các quốc gia nghèo bị thương tổn vì sự suy thoái môi trường do con người gây ra và bị mất sự khác biệt sinh học. Về vấn đề này, tôi tin rằng công nghệ tài chánh, vốn có tinh thần sáng tạo cao, sẽ chứng tỏ khả năng phát triển các cơ cấu trong việc tính toán món nợ môi sinh này, để các nước đã phát triển cao có thể trả, không những bằng cách giới hạn sự tiêu thụ đáng kể về các năng lượng không thể phục hồi, hay bằng cách giúp đỡ các nước nghèo hơn đề ra và thi hành các chính sách và chương trình phát triển dài hạn, nhưng còn chịu chi phí canh tân cần thiết trong mục tiêu này”. (Laudato sì 52-52)

(Rei 8-4-2021)

Add new comment

1 + 2 =