Radio Veritas Asia Buick St., Fairview Park, Quezon City, Metro Manila. 1106 Philippines | + 632 9390011-15 | +6329390011-15
Bác sĩ Denis Mukwege, Nobel Hòa bình 2018 nói về sự dấn thân theo Chúa Giêsu Kitô của mình
Đoạn Phúc Âm mạnh nhất mà Chúa Giêsu đến để truyền cho chúng ta là đoạn “Yêu người như mình vậy.” Đó là lý tưởng mà chúng ta không bao giờ đạt đến được. Mình lúc nào cũng muốn trước hết là làm cho mình, nhưng Chúa Giêsu dạy “Yêu người như mình vậy” (Mt 19. 19), và đó là chiều sâu chưa từng có.
Bác sĩ Denis Mukwege, người nhận giải Nobel Hòa bình năm 2018 vì những đóng góp trong việc “phục hồi phụ nữ” là nạn nhân các vụ hãm hiếp trong chiến tranh.
Khi được hỏi về hành trình đức tin, bác sĩ Denis Mukwege chia sẻ: Tôi sinh trong gia đình kitô giáo, vì thế tôi hưởng giáo dục trong tinh thần kitô giáo, nhưng không nhờ giáo dục này mà tôi là con người như bây giờ. Lúc 13 tuổi, tôi có một kinh nghiệm đã làm biến đổi cuộc đời của tôi, một cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu. Khi đó tôi đang ở trong nhóm cầu nguyện nhỏ, lần đầu tiên tôi thật sự cảm thấy tình yêu của Chúa đối với tôi. Tôi khóc và tôi không thể giải thích vì sao. Nước mắt nước mũi chảy. Tôi ở trong một niềm vui mà tôi không thể giải thích.
Khi tôi kinh nghiệm tình yêu Chúa đối với tôi thì không có ngôn ngữ để giải thích những gì đã xảy ra. Qua lời nói và qua cách ứng xử của mình, người chung quanh biết tôi đã thay đổi. Đến mức tôi nhận ra, tôi không làm gì để xứng đáng được tình yêu của Chúa. Có một ơn đặc biệt làm cho tôi ở trong tình trạng ngoài con người bình thường của tôi. Từ ngày đó, tôi có xác tín: “Tất cả những gì tôi làm, tôi làm để vì vinh quang của Đấng đã cho tôi sự sống, đã cho tôi ơn để nhận biết Ngài”. Trong đời sống làm bác sĩ và mục sư của tôi, chủ đề chính của tôi là tình yêu. Chính đó là điều tôi cảm nhận trong kinh nghiệm thiêng liêng sâu đậm này: tôi được Chúa yêu thương trong một tình yêu sâu đậm mà loài người không giải thích được. Vì tình yêu này, tôi luôn đặt mình trong bàn tay vững chắc của Chúa.
Những kinh nghiệm thiêng liêng đã đánh động tôi, đã thay đổi mọi sự! Đến nơi thờ phượng Chúa không còn là một việc buộc phải làm, nhưng là một nhu cầu. Chúa trở nên nơi ẩn náu, cuộc đời của tôi hoàn toàn tùy thuộc vào Ngài. Biết mình tùy thuộc vào Chúa, Đấng kiểm soát thời gian và mọi tình huống, đã làm cho tôi được thư thái. Xác tín này đến với tôi và mọi người qua Thần Khí, Đấng ngự vào lòng chúng ta và chuyển biến chúng ta.
Khi được hỏi về thời gian tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, thì vị bác sĩ người Congo trả lời: Đây là cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu. Gặp Chúa Giêsu trong cõi riêng tư không phải là văn hóa, là giáo dục, nhưng là một kinh nghiệm của riêng mình và làm biến đổi mình. Người sống với kinh nghiệm này thấy họ được chuyển hóa trong cách nói, cách sống, trong cách nhìn người anh em. Đoạn Phúc Âm mạnh nhất mà Chúa Giêsu đến để truyền cho chúng ta là đoạn “Yêu người như mình vậy.” Đó là lý tưởng mà chúng ta không bao giờ đạt đến được. Mình lúc nào cũng muốn trước hết là làm cho mình, nhưng Chúa Giêsu dạy “Yêu người như mình vậy” (Mt 19. 19), và đó là chiều sâu chưa từng có.
Khi được hỏi tình yêu này giúp ích như thế nào khi bác sĩ phải đối diện với sự tàn phá của các vụ hãm hiếp trong chiến tranh trên thân thể phụ nữ, vị bác sĩ cho biết: Tình yêu của Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta sự cần thiết phải rao giảng tình yêu này. Phải cho những người chúng ta gặp biết họ phải có một chọn lựa trong cuộc sống làm điều tốt hay làm điều xấu. Khi một người nào đó chọn làm điều xấu, thì điều xấu đó hủy hoại chính họ. Tôi đã gặp một vài thanh niên trẻ này, họ phục vụ trong các lực lượng vũ trang, họ bị tẩy não, họ hủy hoại phụ nữ và trẻ em… Theo tôi, họ cũng là nạn nhân. Họ là những tên đồ tể, đúng, nhưng họ cũng là nạn nhân. Họ bị người lớn tẩy não rồi sau đó bắt họ đi phạm tội ác. Khi các trẻ em hay các trẻ vị thành niên này lớn lên, đời sống của các em hoàn toàn bị phá hủy. Là người lớn, họ sống với những rối loạn tâm lý thường xuyên. Họ cần được săn sóc cả về mặt tâm lý lẫn thiêng liêng. Trong mỗi con người đồ tể-nạn nhân này, phải thấy hình ảnh con người được Chúa dựng nên để có thể tôn trọng họ. Khi tôi thấy những dân quân này, tôi thương xót họ. Đó là một đời sống bị hủy diệt.
Trong quyển sách của mình, Bác sĩ Denis cho biết: ngày tôi quyết định làm bác sĩ là khi tôi thấy thân phụ tôi đang ở bên cạnh một người bệnh để cầu nguyện cho họ… Giây phút đó là giây phút quan trọng của cuộc đời tôi. Đó là lần đầu tiên tôi đối diện với cái mà người ta gọi là bất công. Mỗi lần tôi đau, cha tôi cầu nguyện cho tôi, nhưng ông cũng có thuốc cho tôi uống. Là trẻ con, tôi không đặt câu hỏi thuốc này từ đâu đến. Một ngày nọ, ông được nhờ cầu nguyện cho một em bé. Em bé này bị sốt. Cha tôi cầu nguyện cho em bé, xong ông đi về. Khi đó tôi nói “Cha, vì sao cha không cho em bé này thuốc như cha đã cho con khi con bệnh.” Câu trả lời của cha tôi dứt khoát: “Cha không phải là bác sĩ!” Khi đó có một cái gì trong tôi như bật lên: “Cha mình có những chuyện ông không thể làm được. Ông không thể cho thuốc vì ông không phải là bác sĩ.” Và tôi nói với cha tôi “Cha ơi, lớn lên con sẽ là bác sĩ. Con có thể cho thuốc, còn cha, cha cầu nguyện.” Khi đó tôi 8 tuổi và lời nói đó đi theo tôi cho đến bây giờ.
Denis Mukwege, Biện hộ cho Sự Sống, Tiểu sử của người phục hồi cho phụ nữ (Plaidoyer pour la vie, L’autobiographie de l’homme qui répare les femmes, Paris, L’Archipel, 2016)
Marta An Nguyễn dịch
Add new comment