Radio Veritas Asia Buick St., Fairview Park, Quezon City, Metro Manila. 1106 Philippines | + 632 9390011-15 | +6329390011-15
Cha Biển Đức Thuận (P2)
Chính trong nghi thức tiễn biệt này mà nhà truyền giáo trẻ tuổi Henri Denis gặp lại cha mình lần cuối cùng. Người cha trao lại cho người con hành trang quí giá là lời nhắn nhủ: “Con ơi, con đi mà nhớ rằng làm việc cho Chúa thì không bao giờ là quá!”
Văn Việt
Mục gương chứng nhân xin được tiếp tục nói về Cha Benoit Thuận, vị sáng lập dòng Xitô Phước Sơn tại Việt Nam, mà gần đây, Tòa Giám Quản Roma đã công bố sắc lệnh thu thập các chứng tích để tiến hành án phong chân phước cho Ngài.
4. Giờ Cha Benoit Thuận lên đường đã điểm
Cha Benoit Thuận hay Henri Denis được lãnh chức linh mục vào ngày 7 tháng 3 năm 1903, lúc 23 tuổi tại Đại Chủng Viện của Hội Thừa Sai Paris. Sau đó ngài lên đường thi hành sứ vụ thừa sai.
Ý tưởng sứ vụ tông đồ và phúc tử đạo cô đọng lại trong giờ phút biệt ly để lên đường thi hành sứ vụ ở một nơi xa xôi. Nghi thức lên đường là lúc rời bỏ những gì thân thiết nhất với mình ở trần gian này là gia đình, bạn bè, quê hương; là từ bỏ sự an nhàn và yên tĩnh để đối đầu với những hiểm nguy và gian truân thử thách.
Chính trong nghi thức tiễn biệt này mà nhà truyền giáo trẻ tuổi Henri Denis gặp lại cha mình lần cuối cùng. Người cha trao lại cho người con hành trang quí giá là lời nhắn nhủ: “Con ơi, con đi mà nhớ rằng làm việc cho Chúa thì không bao giờ là quá!”
Trong suốt những năm học tập và tu luyện, Henri Denis đã hít thở một bầu khí thuận lợi cho đời sống thân tình với Thiên Chúa tại những chủng viện. Như thế, Thiên Chúa, qua trung gian nhiều người, đã uốn nắn Henri Denis suốt 23 năm ngài sinh sống tại Pháp, là giai đoạn đầu tiên trong cuộc hành trình thiêng liêng của ngài. Những năm học tập và tu luyện này còn cho thấy một vài chuyển biến nơi Henri Denis; thay đổi lối sống và thay đổi phương hướng ơn gọi. Những thay đổi như thế, cả bên trong lẫn bên ngoài, có thể lý giải rằng: Thiên Chúa đã kêu gọi Henri Denis và một cách nào đó Thiên Chúa đã dẫn dắt Henri Denis trên những nẻo đường không thể tiên đoán được.
Sau những ngày lênh đênh trên biển cả, cha Henri Denis đến Đà Nẵng ngày 31 tháng 5 năm 1903, đúng ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Ngài hân hoan sải những bước chân đầu tiên trên mặt đất của một đất nước mà trước kia các tiền nhân của ngài đã đến để loan báo Tin Mừng. Trạm dừng chân đầu tiên là giáo xứ Lăng Cô, nơi cha Martin Mendiboure (cố Nhơn) làm cha sở. Cố Nhơn cùng đi với vị tân thừa sai đến tận Phú Xuân để cha Henri Denis trình diện với bề trên mới là đức cha Caspar Lộc, Đại Diện Tông Toà Bắc Đàng Trong (Địa Phận Huế sau này). Chính Đức Cha đặt cho cha Henri Denis tên Việt Nam cố Thuận, và gởi ngài đến giáo xứ Kim Long để học tiếng và phong tục Việt Nam. Trong suốt 30 năm tại Việt Nam, cha đã kinh qua những môi trường và thi hành những nhiệm vụ khác nhau.
5. Tại tiểu chủng viện An Ninh – Cha Benoit Thuận là vị giáo sư đầy trách nhiệm nhưng cũng rất ưu tư về việc rao giảng Tin Mừng.
Tại tiểu chủng viện An-Ninh, nơi cha Denis Thuận khởi đầu nhiệm vụ giáo sư, có bốn lớp, mỗi lớp kéo dài hai năm, cho một chu kỳ học tập tám năm. Cha Girard, giám đốc Tiểu chủng viện, cử cha Denis Thuận giảng dạy văn chương và tu từ cho lớp thứ nhất. Ngoài ra, cha cũng kiêm nhiệm nhiều môn học khác như khoa học tự nhiên, đại số…
Tiểu chủng viện An-Ninh đã có một chiều dài lịch sử với những thời kỳ đầy thử thách cũng như vinh quang. Tiểu chủng viện An-Ninh được thành lập năm 1783, nhằm đáp ứng nhu cầu thiêng liêng cho Bắc Đàng Trong. Tại nơi đây, hàng trăm linh mục đã lãnh nhận những bước đào tạo đầu tiên về tu đức và nhiều vị đã được vinh dự đổ máu đào vì đức tin như thánh Gageli, Jacard, Thomas Thiện…
Vốn được trời phú cho giọng hát hay và có năng khiếu về nhạc, cha Denis Thuận còn đảm nhận thêm việc tập hát. Ngoài ra, ngài còn tranh thủ trau dồi thêm kiến thức về hán ngữ, và vào năm 1907, ngài được uỷ nhiệm dạy chữ hán cho cả bốn lớp.
Thế nhưng, từ ngày bước chân vào Việt-Nam, mặc dù hằng ngày phải đảm nhận nhiều trách vụ, cha không ngừng ấp ủ lòng khao khát đi rao giảng Tin Mừng cho lương dân. Song nhiệm vụ giáo sư không cho phép ngài thực hiện ước mơ ấy. Nhiều lần ngài viết thư cho song thân và tỏ bày khát vọng truyền giáo, nỗi khát khao này mãnh liệt đến độ ngài coi phòng làm việc tại tiểu chủng viện như là một “nhà tù”. Ngài ước ao mở miệng gào to lên để nói về Chúa cho những người chưa biết Chúa. Tuy nhiên, ngài luôn thêm rằng, nếu Chúa muốn ngài cứ ở lại tiểu chủng viện, thì luôn bằng lòng.
Nhưng rồi, cơ hội thuận tiện đã đến vào năm 1908, khi đức cha Allys (Lý) lên kế vị Đức cha Caspar Lộc; chính vị tân giám quản tông tòa này sai cha Denis Thuận coi họ đạo Nước Mặn.
6. Tại họ đạo Nước Mặn – Cha Benoit Thuận là một mục tử nhân lành
Cuộc đời của cha Denis Thuận bước sang một trang mới với việc thực hiện ước mơ trở thành nhà truyền giáo.
Với nhiệt huyết của một nhà truyền giáo trẻ 28 tuổi, cha đem hết nhiệt tâm và khả năng vào việc rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, ngay những lần gặp gỡ đầu tiên với những dự tòng và các tín hữu, điều ngài mơ ước đã vấp phải những thử thách. Trong nhiều bức thư gửi song thân cũng như giám mục, cha Denis Thuận đã bày tỏ sự vui mừng được rao giảng Phúc Âm và những khó khăn gặp phải trong việc hoán cải lương dân. Ngoài ra, việc bỏ đạo là một vấn đề thường được ngài nhắc đến, vì một số tín hữu đã bỏ đạo trong thời kỳ xảy ra các cuộc bách hại và những đe dọa do dân chúng vùng lân cận gây nên ngay cả sau thời chấm dứt các cơn bắt đạo. Vấn đề này khiến cha Denis Thuận ray rứt mãi là làm sao có thể dẫn đưa họ về đàn chiên Chúa Kitô. Thêm vào đó là những người đã theo đạo nhưng lại không hiểu lẽ đạo. Họ mù tịt về giáo lý, chỉ thuộc một vài kinh căn bản. Cha Denis Thuận phải đối phó trực diện, không những vấn đề liên quan đến đức tin, mà cả những vấn đề của các nông dân nghèo khổ.
Đối diện với những thử thách ấy, và biết bao vấn đề khác, nhiều khi cha không biết làm gì. Hơn một lần, ngài tâm sự với đức cha Allys “con chẳng biết mần chi mô ! con chẳng biết mần chi mô !!!”. Tuy nhiên, cha không thể ở yên, bó tay trước tình cảnh khó khăn. Ngài xả thân, mạnh dạn tiến từng bước trong công việc rao giảng Tin Mừng. Ngài là một mục tử nhân lành. Công việc dạy giáo lý là một nhiệm vụ lúc nào cũng khó khăn và mệt nhọc. Quả thật, các Kitô hữu của họ đạo Nước Mặn này đã không có một sự hiểu biết đầy đủ về giáo lý. Ngài còn đầu tư nhiều công sức và cả tiền của cho việc giúp lương dân gia nhập đạo. Trong khi chu toàn thánh vụ lương y của các linh hồn, cha Denis Thuận cảm thấy nhu cầu chăm sóc những bệnh nhân thể xác. Ngài viết cho song thân và cho biết là nhà xứ của mình dần dần trở nên như một nhà thương, ngày nào cũng có hàng chục người đến xin thuốc, phần nhiều họ bị mụn nhọt máu mủ thối tha, nên mỗi lần làm thuốc xong, ngài phải thay quần áo.
Cha Denis Thuận không những tận tâm cứu giúp, mà còn xả thân giúp đỡ cho tới cùng. Có lần nạn dịch tả hoành hành trong khu vực khiến nhiều người chết, ngài đích thân đến và làm tất cả những gì cần thiết mà ngay cả người thân của những nạn nhân cũng không dám thực hiện, vì sợ bị lây nhiễm. Làm cha sở họ đạo Nước Mặn, cha Denis Thuận không giam mình trong nhà xứ; ngài còn ra đi tìm kiếm và gặp gỡ những người mà ngài muốn đưa dẫn họ về với Chúa. Ngài là một nhà truyền giáo lưu động.
Chúng tôi sẽ tiếp tục nói về cuộc đời chứng nhân của Ngài trong bài tiếp theo, rất mong quý vị và các bạn quan tâm theo dõi.
Nguồn: Viện phụ M. Gioan Thánh Giá Lê Văn Đoàn, o.cist.
Add new comment