Hậu quả tai hại của chiến tranh Ucraina trên Chính thống giáo

Photo: asianews.it

Chiến tranh tại Ucraina hiện nay không những gây thiệt hại trầm trọng về nhân mạng, tài sản, nhưng cả về phương diện tôn giáo: làm băng hoại quan hệ giữa các tín hữu Chính thống tại Ucraina và nhiều nước khác.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Chính thống giáo tại Ucraina gồm hai khối lớn: Chính thống Nga thuộc Tòa Thượng phụ Mascơva, nhưng có nhiều quyền tự trị, và Chính thống Ucraina được Đức Thượng phụ Chính thống Constantinople công nhận độc lập từ năm 2019.

Số tín hữu Công giáo Ucraina thực hành đạo đông gấp đôi so với Chính thống Mascơva. Do chiến tranh hiện nay, một số cộng đoàn Chính thống Nga ở Ucraina ngả theo Giáo hội Chính thống tại nước này và quyết định không nhắc đến và cầu nguyện cho Đức Thượng phụ Kirill, Giáo chủ Chính thống Mascơva và đây là một sự ly giáo. Một vài cộng đoàn Chính thống Nga ở hải ngoại, như giáo xứ Chính thống Nga ở Hòa Lan, cũng đi tới quyết định như vậy. Nhìn lại thời gian trước đây, chiến tranh tại Ucraina đã bắt đầu hồi năm 2014, khi những người chủ trương cuộc “cách mạng Maidan” đề cao sự đối nghịch giữa Kiev và Mascơva, và tình trạng này đạt tới cao độ với chiến tranh từ ngày 24 tháng Hai vừa qua, khi Nga bắt đầu tấn công qui mô vào Ucraina.

Dù kết quả các cuộc hành quân, những thương thuyết hòa bình hiện nay và phân chia lãnh thổ Ucraina thế nào đi nữa, thì sự oán hận sâu đậm giữa hai dân tộc anh em Ucraina và Nga vẫn kéo dài.

Trước đó, đã có một thứ ly giáo giữa Tòa Thượng phụ Chính thống Nga và Tòa Thượng phụ Chính thống Constantinople ở Thổ Nhĩ Kỳ, từ hơn 30 năm nay, với vị Giáo chủ là Đức Bartolomaios. Tuy chỉ có 4.000 tín hữu thuộc quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều cộng đoàn Giáo hội thuộc quyền ở các nước, như Mỹ, Estonia, Australia, một con số bé nhỏ so với khoảng 90 triệu tín hữu Chính thống ở Nga, nhưng Đức Bartolomaios là vị đứng đầu trong số các thủ lãnh của mười lăm Giáo hội Chính thống độc lập.

Sự ly giáo này xảy ra hồi năm 2019, khi Đức Thượng phụ Bartolomaios cấp sắc lệnh, gọi là Tomos, nhìn nhận quyền độc lập của Chính thống Ucraina, lãnh thổ mà Chính thống Nga vẫn luôn coi là lãnh thổ của mình theo giáo luật. Từ đó, các cộng đồng Chính thống Nga không còn nhắc đến tên Đức Thượng phụ Bartolomaios trong các buổi cử hành phụng vụ thánh của mình nữa.

Trước đó, hồi năm 2016, Giáo hội Chính thống Nga và một vài Chính thống khác, như Georgia đã từ chối tham dự Công đồng Liên Chính thống giáo tại đảo Creta, vì Công đồng này do Đức Thượng phụ Bartolomaios chủ trì. Trong lãnh vực này, tương quan đại kết giữa Chính thống giáo và Công giáo cũng bị thương tổn: Giáo hội Chính thống Nga từ chối tham dự bất kỳ sinh hoạt đại kết nào có sự chủ trì của Đức Thượng phụ Chính thống Constantinople. Vì thế, Ủy ban hỗn hợp đối thoại thần học giữa Giáo hội Công giáo và mười bốn Giáo hội Chính thống bị tê liệt, không nhóm họp toàn thể lần nào nữa.

(Tổng hợp 27-3-2022, Asia News 26-3-2022)

Add new comment

2 + 0 =