Đức Hồng y Parolin: Công cuộc cải tổ Giáo triều còn tiếp tục

Photo: Vatican News

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tuyên bố rằng việc công bố Tông hiến mới “Praedicate Evangelium”, các con hãy loan báo Tin mừng, không nhất thiết có nghĩa là kết thúc cuộc cải tổ Giáo triều Roma và các cơ quan mới có thể được thiết lập thêm.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Tông hiến này được công bố hôm 19 tháng Ba vừa qua, sau hơn tám năm soạn thảo và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 05 tháng Sáu tới đây.

Đức Hồng y Parolin tuyên bố như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công giáo CNA, truyền đi từ Mỹ ngày 10 tháng Tư vừa qua. Ngài nói: Giáo triều Roma là một tổ chức sinh động, dĩ nhiên nó luôn tiến hành theo những chỉ dẫn của Đức Giáo hoàng.

Theo Đức Hồng y Parolin, một vấn đề cơ bản là nguồn tài nguyên: cần có tài nguyên về nhân sự và kinh tế. Ví dụ, hồi năm 2014, Đức Hồng y đã đề nghị thiết lập một văn phòng trong Phân bộ ngoại giao tại Phủ quốc vụ khanh Tòa Thánh, chuyên làm trung gian giúp giải quyết các vấn đề quốc tế.

Hồi đó có vấn đề làm trung gian giữa các phe đối nghịch tại Venezuela, rồi tiến trình hòa bình trong nội chiến tại Colombia, tương quan giữa Cuba và Hoa Kỳ để tái lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, đề nghị đó không được chấp nhận vì thiếu tài chánh. Văn phòng trung gian này đòi phải có một sự đầu tư rất lớn, vì trung gian không phải chỉ là những cử chỉ, nhưng là một sự dấn thân mạnh mẽ để nghiên cứu. Điều này đòi phải có thời gian, sự sẵn sàng và các phương tiện. Tóm lại, Đức Hồng y nói, “chúng tôi là một thực tại nhỏ phải đối phó với những vấn đề to lớn, và chúng tôi cố gắng làm theo khả năng chúng tôi có được.”

Đức Hồng y Parolin cũng cho biết trong số các vấn đề khó khăn hiện nay tại Phủ Quốc vụ khanh là tình trạng thiếu nhân viên ngoại giao. Hiện nay có 14 Tòa Sứ thần trên thế giới bị trống tòa, một số tòa đặc biệt quan trọng, như tại Venezuela, Liên hiệp Âu châu và Vương quốc Giordani chưa có Sứ thần.

“Cuộc khủng hoảng có tính chất tổng quát hơn. Đó là cuộc khủng hoảng ơn gọi linh mục và tu sĩ, là nguồn mà ngành ngoại giao Tòa Thánh kín múc nhân sự. Về phương diện này, người ta thấy mỗi năm đầu có thách đố là làm sao tìm được các ứng sinh mới cho trường ngoại giao Tòa Thánh”.

“Dầu sao đi nữa, ngành ngoại giao Tòa Thánh có ý nghĩa trong việc tìm kiếm hòa bình, vượt lên trên những lợi lộc riêng. Ngành ngoại giao Tòa Thánh không quan tâm tới lợi lộc kinh tế, quân sự, chính trị. Tòa Thánh cố gắng hiện diện dựa trên Tin mừng và truyền thống của Giáo hội, vì Tòa Thánh đã hiện diện ngay từ đầu trong cộng đồng quốc tế. Đức Hồng y nói: “Chúng tôi cố gắng hiện diện trong những hoàn cảnh đau khổ và chúng tôi cố gắng giúp giải quyết những đau khổ liên hệ tới những cuộc xung đột, đối nghịch, hoặc những đụng độ thuộc các loại khác nhau”.

(CNA, Ncregister.com 10-4-2022)

Add new comment

4 + 2 =