Gặp gỡ chính quyền và đại diện dân Bahrain

Photo: Vatican Media

Sau cuộc hội kiến, nhà vua và Đức Thánh cha tiến ra khuôn viên của cung điện, nơi diễn ra cuộc chào đón chính thức và gặp gỡ chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn vào lúc quá 4 giờ chiều, tổng cộng khoảng 1.000 người.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Diễn từ của Đức Thánh cha

Lên tiếng sau lời chào mừng của nhà vua, Đức Thánh cha dùng hình ảnh cây keo, quen được gọi là “cây sự sống” ở Bahrain, từ bao thế kỷ, cây này vẫn mọc và sống lâu ở vùng sa mạc, rất ít mưa, vì có rễ ăn sâu trong lòng đất hàng chục mét, hút nước từ đó. Ngài áp dụng vào trường hợp nước Bahrain vốn dấn thân trong việc tìm kiếm và đề cao giá trị quá khứ của mình, nơi vùng đất này, từ 4.500 năm nay đã có sự hiện diện liên tục của con người. “Nó cho thấy vị trị địa lý, khuynh hướng và khả năng thương mại của người dân, cũng như một số biến cố lịch sử, đã mang lại cho Bahrain cơ hội để biến thành như một ngã tư làm cho các dân tộc làm giàu cho nhau. Vì thế, một khía cạnh nổi bật của vùng đất này là tại đây luôn luôn là một nơi gặp gỡ giữa các dân cư khác nhau”.

Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Trên các hải đảo này, người ta ngưỡng mộ một xã hội tổng hợp, có khả năng vượt thắng nguy cơ cô lập. Đây là điều rất quan trọng ngày nay, trong đó sự co cụm vào mình và vào những tư lợi ngăn cản không cho thấy tầm quan trọng không thiếu của sự sống chung và cộng tác với nhau”. Các nhóm quốc gia, chủng tộc và tôn giáo sống chung tại đây chứng tỏ người ta có thể và phải sống chung trong thế giới chúng ta, từ nhiều thập niên qua đã trở thành một ngôi làng hoàn cầu, nhưng trong đó về nhiều khía cạnh, nhưng tinh thần của một làng vẫn chưa được nhận biết: đó là lòng hiếu khách, sự tìm kiếm tha nhân, và tình hunh đệ. Trái lại, chúng ta lo âu chứng kiến sự lan tràn thái độ dửng dưng, ngờ vực, cạnh tranh, đối nghịch mà người ta tưởng là đã được khắc phục rồi; chúng ta chứng kiến những trào lưu mị dân, cực đoan, đế quốc đe dọa an ninh của mọi người. Mặc dù có tiến bộ và bao nhiêu chinh phục về mặt văn minh và khoa học, sự chênh lệch văn hóa giữa các nơi trên thế giới đang gia tăng, và những cơ hội gặp gỡ phúc lợi bị coi là thứ yếu so với những thái độ đối nghịch bất chính”.

Đối nghịch với những tiêu cực trên đây, Đức Thánh cha mời gọi mọi người hãy nghĩ đến cây sự sống và trong các sa mạc khô cằn của sự sống chung, chúng ta cung cấp nước của tình huynh đệ: chúng ta đừng để bốc hơi mất những cơ hội gặp gỡ giữa các nền văn minh, tôn giáo, văn hóa, chúng ta đừng để cho những căn cội của con người bị khô héo!

Đức Thánh cha cũng ca ngợi Hiến pháp của Bahrain loại trừ mọi kỳ thị về phái tính, xuất xứ, ngôn ngữ, tôn giáo và tín ngưỡng, hoàn toàn tôn trọng tự do tôn giáo. Đó là những cam kết cần liên tục được mang vào thực hành, để tự do tôn giáo được trọn vẹn chứ không chỉ giới hạn vào tự do phụng tự mà thôi; để phẩm giá bình đẳng và cơ may đồng đều được nhìn nhận cho mỗi nhóm dân và mỗi người...

Đức Thánh cha nhắc đến sự đóng góp của bao nhiêu người nhập cư, thuộc các chủng tộc khác nhau, cho sự phát triển cao. Bahrain là một trong những nước có tỷ số cao nhất những người có công ăn việc làm: khoảng một nửa dân cư tại đây là người ngoại quốc, làm việc tích cực cho sự phát triển của quốc gia, trong đó, tuy đã rời đất nước của mình, họ cảm thấy như đang ở nhà. Tuy nhiên, ta không thể quên rằng thời nay vẫn còn thiếu công ăn việc làm, và có quá nhiều công việc hạ giá con người: điều này không những có nguy cơ gây ra bất an trầm trọng cho xã hội, nhưng còn làm thương tổn nhân phẩm nữa... Trong bối cảnh này, Đức Thánh cha kêu gọi bảo đảm khắp nơi những điều kiện làm việc an ninh và xứng với con người, không ngăn cản, trái lại càng tạo điều kiện cho đời sống văn hóa và tinh thần, thăng tiến sự hòa hợp xã hội, mưu ích cho đời sống chung và sự phát triển của các nước (Xc GS 9.27.60.67).

Cũng trong diễn văn đầu tiên tại Bahrain, Đức Thánh cha tố giác những hành động và những đe dọa chết chóc, đặc biệt là chiến tranh điên rồ, đang gieo rắc tàn phá và loại trừ hy vọng. Ngài nói: “Trong chiến tranh khía cạnh đồi tệ nhất của con người được biểu lộ, đó là tính ích kỷ, bạo lực và gian dối. Đúng vậy, chiến tranh, mỗi cuộc chiến tranh cũng tượng trưng cái chết của sự thật. Chúng ta hãy từ bỏ lôgíc võ khí, thay đổi hướng đi, biến những chi phí khổng lồ về quân sự thành những số tiền đầu tư để loại trừ nạn đói, tình trạng thiếu săn sóc sức khỏe và giáo dục” ... Trong bối cảnh này, Đức Thánh cha đau lòng nhắc đến chiến tranh Yemen tại bán đảo Arập, một cuộc chiến tranh bị quên lãng”.

Kết thúc cuộc gặp gỡ lúc 5 giờ chiều, Đức Thánh cha đã rời cung điện để về nơi ngài cư ngụ cách đó 500 mét. Bahrain không có Tòa Sứ thần Tòa Thánh nên ngài lưu ngụ tại đây ba đêm, thuộc hoàng cung, trong những ngày viếng thăm.

Add new comment

1 + 3 =