Số nạn nhân vụ oanh kích tại Myanmar lên tới hơn 170 người

Members of the Myanmar army patrol during the Myanmar's New Year water festival, locally known as Thingyan, in Yangon on April 13, 2023. | AFP

Hôm 17 tháng Tư vừa qua, hãng tin Asia News cho biết số nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ không quân Myanmar oanh kích ngày 11 tháng Tư trước đó, lên tới hơn 170 người, và những vụ oanh kích này là nhờ võ khí Nga và Trung Quốc cung cấp cho chế độ quân phiệt tại Myanmar.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Theo Đài Á Châu Tự do, truyền đi ngày 17 tháng Tư, số nạn nhân lên tới khoảng 200 người.

Những vụ tấn công trở thành biến cố hằng ngày đối với dân chúng tại Myanmar và các dữ kiện khác nhau xác nhận Mascơva và Bắc Kinh tiếp tục xuất khẩu võ khí sang nước này, sau cuộc đảo chánh hồi tháng Hai năm 2021. Trong khi đó, các dân quân địa phương phản ứng lại bằng cách võ trang các máy bay không người lái thương mại.

Cuộc oanh kích các thường dân bằng trực thăng chiến đấu MI-35 của Nga xảy ra tại làng Pa Zi Gyi ở miền Sagaing và trong số các nạn nhân có nhiều thường dân, phụ nữ và trẻ em. Đây là một trong những biến cố đẫm máu nhất từ đầu cuộc nội chiến ở Myanmar.

Ông Tom Andrews, tường trình viên đặc biệt về tình trạng nhân quyền tại Myanmar, nói rằng những võ khí đang giết hại tại Myanmar cũng cùng một loại với những võ khí đang giết hại dân chúng tại Ucraina. Sau cuộc đảo chánh ở Myanmar, Nga, Trung Quốc và Serbia, đồng minh của Nga, tiếp tục gửi khí giới cho tập đoàn quân phiệt ở Myanmar và các võ khí này được sử dụng để tấn công cả các thường dân.

Nga là nước đứng đầu trong việc cung cấp võ khí cho Myanmar, đồng minh vì những lý do lịch sử và kinh tế với giới quân nhân tại nước này. Giá trị xuất khẩu của Nga sang Myanmar trong năm ngoái (2022) tăng gấp đôi so với số lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang nước này. Trong sáu tháng gần đây, các trực thăng tấn công M-35 của Nga được thấy quân đội Myanmar sử dụng.

Mặt khác, hãng tin Công giáo Á châu Licas ở Philippines, truyền đi hôm 17 tháng Tư cho biết các tín hữu Công giáo bày tỏ lòng biết ơn với Đức Thánh cha Phanxicô vì đã nhiều lần kêu gọi cầu nguyện cho nhân dân Myanmar, từ lâu ở trong tình trạng đau thương.

Ví dụ, ông Rober Khen Tlung, một giáo dân Công giáo ở thành phố Yangon nói rằng: “Đức Giáo hoàng Phanxicô quan tâm đến chúng tôi. Ngài cầu nguyện và tiếp tục nhấn mạnh với thế giới về tình trạng bi thảm của chúng tôi”.

Gần đây nhất, hôm 15 tháng Tư vừa qua, khi tiếp các tín hữu thuộc giáo phận Cremona, bắc Ý, về Roma hành hương nhân kỷ niệm lễ phong chân phước cho cha Alfredo Cremonesi, người con của giáo phận, thừa sai tử đạo tại Myanmar, và trong đoàn cũng có một số linh mục, tu sĩ và giáo dân Myanmar ở Roma, Đức Thánh cha cũng nhắc đến tình trạng đau thương ở Myanmar hiện nay và mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho nước này. Lần trước đó là trong Sứ điệp Phục sinh, công bố ngày 09 tháng Tư mới đây, ngài cũng nhắc đến Myanmar và mời gọi cầu nguyện để nước này khắc phục tình trạng chính trị khó khăn hiện thời.

Trong thánh lễ Chúa nhật ngày 16 tháng Tư vừa rồi, Đức Hồng y Charles Bo, Tổng giám mục Giáo phận Yangon, nói rằng: “Trong khi nhân dân đang phải chịu kinh hoàng của chiến tranh, chúng ta đừng quên Thiên Chúa và phó thác trong tay Chúa bản thân và mọi nhu cầu. Cả Đức Thánh cha cũng cầu nguyện và phó thác chúng ta cho lòng Chúa Thương Xót, Đấng ban cho chúng ta ơn an ủi và dồi dào ơn thánh”.

(Licas 17-4-2023)

Add new comment

3 + 8 =