Đức Hồng y Thụy Điển cảnh giác Công giáo Đức

Đức Hồng y Anders Arborelius | carmelitaniscalzi.com

Đức Hồng y Anders Arborelius, Giám mục Giáo phận Stockholm, Thụy Điển, cảnh giác Giáo hội Công giáo tại Đức về Con đường Công nghị và ngộ nhận về giá trị do Con đường này đề ra.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Qua Con đường Công nghị, đa số các giám mục và Ủy ban Trung ương giáo dân Công giáo Đức đã đề nghị cải tổ Giáo hội, về cơ cấu và đạo lý, trái ngược với truyền thống của Giáo hội, tuy có sự cảnh giác của Đức Thánh cha và Tòa Thánh. Dầu vậy, những người chủ trương con đường này hy vọng những quyết định từ Con đường này sẽ nêu gương cho Giáo hội hoàn vũ.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Die Tagesport ở Đức, Đức Hồng y Arborelius, thuộc dòng Cát Minh nhặt phép (OCD) nhận định rằng: “Các tín hữu Công giáo Đức sẽ thất vọng lớn khi thấy rằng những vấn đề của mình không giữ vai trò nào trong Giáo hội hoàn vũ”.

Đức Hồng y lấy làm tiếc vì Giáo hội tại Đức đi theo con đường riêng với những nghị quyết được đề ra trong Con đường Công nghị. Đức Hồng y nói: “Cho dù những nghị quyết đó là quan trọng đối với Đức, nhưng Giáo hội tại Đức chỉ là một phần bé nhỏ trong Giáo hội hoàn vũ. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ đề cập tới những vấn đề có một cách này hay cách khác, nhưng quan điểm của Đức sẽ không quan trọng như người ta nghĩ tại Đức. Tiếng nói của Đức không quan trọng trong Giáo hội hoàn vũ.

Đức Hồng y Arborelius cũng nhận xét rằng thật là điều đúng khi Tòa Thánh can thiệp chống lại những lối thực hành bất hợp pháp. Theo ngài, tiến trình đồng hành của Giáo hội hoàn vũ có thể làm cho các tín hữu Công giáo ở Đức thất vọng. Ngài cũng tuyệt đối bác bỏ quan niệm, theo đó những quyết định của đa số trong hội nghị là tiếng nói của Chúa Thánh Linh. “Đó là quan niệm không hợp với Kinh thánh: Kinh thánh coi nhóm nhỏ các thánh là những người gìn giữ đức tin. Dân Israel lưu đày là một thiểu số rất nhỏ bé, nhưng họ đã bảo tồn truyền thống. Ngày nay cũng vậy, chỉ có một thiểu số các nước chúng ta còn là Kitô. Khi những liên lệ của chúng ta với thế giới và những cơ cấu xã hội trở nên quá gắn bó, chúng ta có nguy cơ chiều theo những quan niệm của thế gian. Nền dân chủ là tốt đối với thế giới nhưng trong Giáo hội thì khác. Có chân lý, tình thương, lòng thương xót và sự thánh thiện. Giải thích điều đó thật là quan trọng”.

(Tagespost 26-4-2023)

Add new comment

5 + 14 =