Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha chống đề nghị bãi bỏ bí mật tòa giải tội

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha, Đức cha José Ornelas | © Agência EcclesiaHM.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha, Đức cha José Ornelas, chống lại đề nghị bãi bỏ bí mật tòa giải tội trong trường hợp những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Hồi đầu tuần qua, ông Pedro Strecht, một bác sĩ phân tâm, Chủ tịch Ủy ban độc lập điều tra về những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên ở Bồ Đào Nha, đã đưa ra đề nghị bãi bỏ bí mật tòa giải tội trong buổi điều trần, chiều ngày 02 tháng Năm trước Ủy ban về hiến pháp, các quyền, tự do và bảo đảm, thuộc Quốc hội Bồ Đào Nha. Ông nói rằng việc bãi bỏ này đã được áp dụng trong các nghề nghiệp khác, kể cả các bác sĩ.

Phản ứng về đề nghị này, Đức cha Ornelas tuyên bố rằng: “Bí mật tòa giải tội là điều cổ kính, như Giáo hội, và sẽ không thay đổi. Tôi có thể bảo đảm điều đó”.

Về phần ông Laborinho Lúcio, cựu Bộ trưởng tư pháp, và là thành viên Ủy ban độc lập điều tra vừa nói, nhìn nhận có một “chướng ngại rất lớn về phương diện giáo luật, và từ bên ngoài, hiện có vấn đề hiệp định giữa Tòa Thánh và Bồ Đào Nha”. Điều số 5 trong Hiệp định ký kết năm 2004 giữa Tòa Thánh và Bồ Đào Nha, qui định rằng: “Các giáo sĩ không thể bị các quan tòa hoặc nhà chức trách khác tra hỏi về những sự kiện và những điều mà họ biết được do sứ vụ của họ”.

Đức cha Ornelas, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha nói thêm rằng: “Chúng tôi không ở trên luật pháp và chúng tôi sẽ tuân hành luật pháp, nhưng không phải mọi sự đều thuộc lãnh vực luật pháp. Việc xưng tội và giải tội bao hàm sự thống hối những hành vi đã phạm và nhiệm vụ của cha giải tội là thuyết phục những hối nhân rằng nghĩa cụ của chính hối nhân là tố giác các sự kiện ấy với nhà chức trách liên hệ”.

Đức Hồng y Manuel Clemente, Thượng phụ Lisboa, cũng hiện diện tại buổi điều trần, ngài tái khẳng định rằng bí mật tòa giải tội, đối với các tín hữu Công giáo, là điều “tuyệt đối”. Cha giải tội nào trực tiếp vi phạm bí mật ấy sẽ bị vạ tuyệt thông tức khắc, theo giáo luật. Cùng hình phạt đó cũng được áp dụng cho người nào dùng phương tiện kỹ thuật để biết những gì được nói giữa cha giải tội và hối nhân.

Được Ủy ban Quốc hội hỏi về việc bồi thường cho các nạn nhân bị lạm dụng, Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bồ Đào Nha trả lời rằng điều này phải được quyết định tùy theo từng trường hợp.

(Setemargens 3-5-2023)

Add new comment

8 + 2 =