Phút Cầu Nguyện, Thứ Năm 20/06/2019

LỜI NÓI KHÔNG CHỈ THEO GIÓ BAY…

Có một cụ già thích để râu. Râu của cụ đã bạc trắng và rất dài hơn. Một hôm, khi cụ đứng của nhà hóng mát thì có một bà hàng xóm dắt đứa con năm tuổi sang chơi. Đứa bé tò mò hỏi cụ: “Ông ơi, râu của ông dài như thế này, ban đêm khi ngủ, ông để râu bên ngoài hay bên trong chăn vậy?”

Nhất thời, ông cụ không nhớ và cũng không thể trả lời câu hỏi của cậu bé. Đêm đó, khi ngủ, ông cụ nhớ đến câu hỏi của đứa bé. Ông bèn để râu ra bên ngoài chăn. Cảm thấy không thoải mái, ông lại để vào bên trong chăn, và vẫn cảm thấy không thoải mái. Cứ như vậy, suốt cả một đêm, ông cụ lúc thì để chòm râu dài của mình ra ngoài, lúc lại để vào bên trong chăn để suy nghĩ xem trước đây khi ngủ, mình đã để ra làm sao.

Hôm sau, khi bà hàng xóm dắt đứa bé sang chơi, ông cụ tức giận nói: “Câu hỏi của đứa bé đã làm suốt đêm qua tôi không thể nào ngủ được”. Người hàng xóm mỉm cười nói: “Một câu hỏi vu vơ của đứa bé, ông để tâm làm gì cho mất ngủ.”

Quý vị và các bạn thân mến,

Lời nói là phương tiện để con người bộc lộ cho người khác biết những tâm tư, tình cảm và suy nghĩ của mình. Cho nên lời nói của một người ít nhiều mang tính chủ quan của người ấy. Vì tính chủ quan mà lời nói được buông ra từ miệng một người có khi xuất phát từ một hàm ý tích cực hay tiêu cực nào đó, hoặc có khi chỉ là những lời nói bâng quơ, vô nghĩa. Dù là có hàm ý hay không thì một khi lời nói đã được buông ra cũng ít nhiều gây ra những ảnh hưởng cho người nghe. Có những lời nói khiến người nghe cảm thấy tinh thần phấn chấn, vui vẻ, nhưng cũng có những câu nói khiến người nghe nghĩ ngợi, có khi mất ăn mất ngủ. Chính vì vậy mà sách Huấn Ca đã nhắc nhở chúng ta rằng: “Cái lưỡi chính là mối hoạ cho con người” (Hc 5, 13) và sách Châm ngôn thì khẳng định: “Lời nói bừa bãi khác nào mũi gươm đâm” (Cn 12, 18).

Trong câu chuyện bên trên, có lẽ khi nhìn thấy chòm râu dài của ông cụ, cậu bé năm tuổi đã buông ra một lời thắc mắc hồn nhiên. Giá như ông cụ cũng nghĩ như mẹ của cậu bé: “Một câu hỏi vu vơ của đứa bé, ông để tâm làm gì cho mất ngủ” thì chắc chắn ông đã không nghĩ ngợi và mất ngủ suốt đêm. Nhiều lúc chúng ta cũng thường hay để tâm suy nghĩ và có khi mất ăn, mất ngủ bởi những lời nói của người khác. Khi nhận được những lời khen ngợi, chúc tụng từ người khác dù chân thành hay chỉ để làm chúng ta vui lòng, chúng ta vẫn thấy vui mừng, phấn chấn và cảm thấy mình mãnh mẽ và yêu đời hơn. Còn khi nghe những câu nói hay thắc mắc động chạm đến những yếu điểm nào đó của mình chúng ta thường thấy khó chịu, tâm trí nặng nề và tinh thần suy sụp.

Để tránh tình trạng bị tác động bởi những lời nói của người khác, chúng ta hãy tập thói quen thận trọng khi lắng nghe và cân nhắc những lời người khác nói. Tiểu thuyết gia người Pháp Roland Dorgelès đã nói rằng: “Lời nói mà không chủ ý làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn lên thì chỉ là lời nói hư không” (Roland Dorgeles). Với những lời nói chân thành chất chứa sự thật và tình bác ái, được phát ngôn từ những người khôn ngoan, và đáng tin cậy thì chúng ta hãy lưu tâm và làm theo để có thể khiến cho bản thân mình và nhiều sự việc khác được tiến triển tốt đẹp hơn. Còn với những lời nói bâng quơ hay có hàm ý tâng bốc, xu nịnh từ những người giả dối, thiếu chân thành và suy nghĩ hẹp hòi thì chúng ta đừng để tâm và nghĩ ngợi. Đồng thời, chúng ta cũng hãy cẩn trọng và biết làm chủ miệng lưỡi của chính mình, nhờ đó, chúng ta sẽ ngày càng tiến xa hơn trên con đường hoàn thiện bản thân mình, như lời Thánh Giacôbê đã dạy: “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kềm chế toàn thân” (Gc 3, 2).

Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con có được đôi môi và giọng nói để ngợi khen, tôn vinh Chúa và tạo ra những mối liên hệ với người xung quanh. Xin Chúa cho chúng con biết dùng miệng lưỡi mình nói những lời tốt đẹp để xây dựng tình huynh đệ mặn mà và lối sống thanh thoát, yên vui. Amen.

Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ     

Add new comment

15 + 5 =