Phút Cầu Nguyện, Thứ Hai 15/07/2019

CẦN CÓ LÒNG CẢM THÔNG

Một người phụ nữ trẻ tuổi mới chuyển đến một chung cư. Cứ gần nửa đêm đang lúc ngủ ngon, cô lại bị thức giấc vì tiếng đóng cửa rất mạnh và tiếng chân lộp cộp rất khó chịu ở lầu trên. Nhiều ngày liên tiếp, vẫn tiếng đóng cửa và tiếng dép vào đúng giờ ấy khiến cô không sao chịu nổi. Một ngày nọ, cô đã lên lầu và gõ cửa căn phòng ấy. Một cậu bé ra mở cửa, và rối rít xin lỗi sau khi nghe người phụ nữ phàn nàn: “Con xin Cô thứ lỗi cho, con sẽ cố gắng cẩn thận hơn.”  Thế nhưng, tiếng đóng cửa quen thuộc ấy lại cứ vang lên đập vào tai cô như thách thức.

Rồi khoảng một tháng sau, tiếng đóng cửa đột nhiên biến mất. Đêm ấy, người phụ nữ nằm trên giường nín thở lắng tai nghe. Tiếng khép cửa thật nhỏ, và bước chân rất nhẹ nhàng cẩn thận. Ngày hôm sau, có tiếng gõ cửa ở phòng cô. Khi mở cửa, cô thật bất ngờ khi nhìn thấy cậu bé ở lầu trên. Cậu bé cúi đầu và nói: “Thưa Cô! Nhiều lần con đã làm Cô mất ngủ, con xin Cô tha lỗi”. Rồi cậu nói trong tiếng nấc: “Nửa năm trước Cha con đã qua đời vì tai nạn. Mẹ con bị ung thư, mỗi ngày một yếu, nói không được, nghe không rõ. Cho nên mỗi buổi tối đi làm về, con đóng cửa mạnh để mẹ biết con đã về, có thế bà mới an tâm ngủ. Con đã cố gắng đi làm thêm để chữa chạy cho mẹ, nhưng nay mẹ con không còn nữa, Cô ạ!”

Nghe đến đó, những giọt nước mắt tuôn tràn trên khóe mắt người phụ nữ. Cô hối hận vì đã thiếu cảm thông với hoàn cảnh đáng thương của cậu bé.

Quý vị và các bạn thân mến,

Cảm thông là một từ ngữ không hề xa lạ với chúng ta. Từ ngữ cảm thông được định nghĩa là việc hiểu thấu được hoàn cảnh, khó khăn riêng của người khác và chia sẻ tâm tư, tình cảm với họ. Bản chất bất toàn của con người và cuộc sống khiến cho sự cảm thông trở thành một yếu tố hết sức quan trọng và cần thiết để nối nối kết con người với nhau và làm cho cuộc sống trở nên ấm áp.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ngâm nga trong ca khúc “Để Gió Cuốn Đi” của mình rằng: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Tấm lòng đó phải chăng là sự cảm thông mà cậu bé trong câu chuyện bên trên mong nhận được nơi người phụ nữ để vơi bớt niềm đau mà cậu đang chịu đựng? Và có phải tấm lòng và sự cảm thông đó đang dần dần bị lu mờ bởi những sự ồn ào, vội vã lo toan cho bản thân của nhiều người trong cuộc sống hôm nay?

Những mối bận tâm và vấn đề cá nhân hằng ngày khiến nhiều lúc chúng ta cảm thấy không còn thời giờ để quan tâm và cảm thông với người khác. Ơn gọi Kitô hữu mời gọi chúng ta không chỉ sống cho riêng bản thân mình, nhưng biết nghĩ đến người khác và cảm thông với những nỗi vất vả, khó khăn của họ.  Chúa Giêsu chính là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta về lòng cảm thông với hoàn cảnh bất hạnh của người khác. Người đã chạnh lòng thương khi thấy dân chúng bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt. Người đã luôn cảm thông với hoàn cảnh của những người nghèo khổ, ốm đau và tội lỗi. Lòng cảm thông ấy của Chúa Giêsu không chỉ bàng bạc nơi những trang Kinh Thánh nhưng vẫn tỏa sáng và sưởi ấm cõi lòng của con người ở mọi thời đại, trong đó có chúng ta.

Lòng cảm thông được thể hiện một cách cụ thể nơi thái độ kiên nhẫn lắng nghe, lòng quảng đại tha thứ hay đơn giản chỉ là một sự hiện diện ấm áp. Chúng ta cũng đã từng cảm nghiệm được niềm vui và sự thanh thản khi được Chúa tha thứ cho những lỗi lầm của mình, hay cảm thấy nguôi ngoai đi những nỗi buồn và sự tự ti, mặc cảm về những khó khăn mà mình gặp phải trong cuộc sống khi được ai đó thấu hiểu và cảm thông. Từ những kinh nghiệm ấy, chúng ta cũng hãy biết đặt mình vào vị trí và hoàn cảnh của người khác để có thể cảm thông và sẵn sàng nâng đỡ họ trong những lúc gian nan và khốn khó.

Lạy Chúa, giữa một thế giới đang lạnh lẽo dần vì sự vô tâm và vô cảm, xin thắp lên ánh lửa lòng cảm thông của Chúa. Xin tình yêu và lòng cảm thông của Chúa đẩy lui đi những ích kỷ và vô tâm của chúng con. Nhờ đó, chúng con có thể thắp lên những niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống và cõi lòng mọi người bằng ánh lửa của lòng cảm thông và niềm an ủi. Amen.          

Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ     

Add new comment

7 + 2 =