Đức Thánh Cha kêu gọi cộng đồng quốc tế thực tâm bảo vệ trái đất

Đức Thánh Cha kêu gọi cộng đồng quốc tế thực tâm bảo vệ trái đất và thi hành những gì đã cam kết trong Hiệp định Paris ngày 12/12/2015.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong sứ điệp Video gửi Hội nghị Thượng Đỉnh từ ngày 23 đến 26/09/2019 bên lề Đại hội đồng thứ 74 của Liên Hiệp Quốc ở New York về đề tài “Chiến đấu chống thay đổi khí hậu và cho sự dài hạn”.

Thay đổi khí hậu: hiện tượng nghiêm trọng

Đức Thánh Cha cám ơn ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres, đã triệu tập Hội nghị thượng đỉnh này để lưu ý các vị lãnh đạo chính phủ và toàn thể cộng đồng quốc tế cũng như dư luận thế giới về một trong những hiện tượng trầm trọng và đáng lo âu nhất thời nay, đó là sự thay đổi khí hậu.

Đây là một trong những thách đố chính chúng ta phải đương đầu và vì thế nhân loại được kêu gọi vun trồng 3 đức tính luân lý là lương thiện, trách nhiệm và can đảm.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Với Hiệp định Paris ngày 12/12/2015, cộng đồng quốc tế đã ý thức về sự cấp bách và cần thiết phải đưa ra một câu trả lời cộng đồng để cộng tác vào việc xây dựng căn nhà chung của chúng ta.”

Bốn năm qua, chưa đạt được tiến bộ đáng kể

“Nhưng, 4 năm sau hiệp định lịch sử ấy, những cam kết của các quốc gia vẫn còn rất lỏng lẻo và xa vời việc đạt tới những mục tiêu đã ấn định.

“Bên cạnh bao nhiêu sáng kiến, không những từ phía các chính phủ nhưng cả toàn thể xã hội dân sự, cần tự hỏi xem có một ý chí chính trị thực sự muốn dành nhiều nhân lực, tài lực và kỹ thuật để làm dịu bớt những hậu quả tiêu cực của sự thay đổi khí hậu và giúp các dân chúng nghèo và dễ bị tổn thương nhất là những dân phải chịu nhiều đau khổ nhất hay không.

Tuy chậm trễ nhưng vẫn còn kịp để hành động

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng: “Cho dù tình trạng không tốt và trái đất đang đau khổ vì điều đó, nhưng cánh cửa sổ cho một cơ may vẫn còn mở rộng. Chúng ta còn kịp. Chúng ta đừng để cánh cửa ấy khép lại. Chúng ta hãy mở nó bằng sự dấn thân vun trồng một sự phát triển nhân bản toàn diện, để đảm bảo cho các thế hệ tương lai một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tương lai là của họ, chứ không phải của chúng ta...

“Với lòng lương thiện, trách nhiệm và can đảm, chúng ta phải dùng trí thông minh đẻ phục vụ một loại tiến bộ khác, lành mạnh, nhân bản, xã hội và toàn diện hơn (Laudato sì, 112), có khả năng đật kinh tế phục vụ con người, xây dựng hòa bình và bảo vệ môi trường.

Thay đổi khí hậu có liên hệ tới luân lý đạo đức

Vấn đề thay đỗi khí hâu gắn liền với các vấn đề luân lý đạo đức, ngay chính và công bằng xã hội. Tình trạng suy thoái môi trường hiện nay gắn liền với sự suy thoái về con người, đạo đức và đã hội, như chúng ta cảm nghiệm hằng ngày. Và điều này buộc chúng ta phải suy tư về ý nghĩa những kiểu mẫu tiêu thụ và sản xuất của chúng ta cũng như các tiến trình giáo dục, gây ý thức để làm cho chúng phù hợp với phẩm giá con người. Chúng ta đứng trước một “thách đố văn minh” để mưu công ích. Và điều này rõ ràng, cũng nó cũng rõ ràng trong nhiều giải pháp vừa tầm tay mọi người, nếu chúng ta chấp nhận chúng, trên bình diện cá nhân và xã hội, một lối sống diễn tả sự lương thiện, can đảm và trách nhiệm”

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:

“Tôi mong ước rằng 3 từ cơ bản này: lương thiện, can đảm và trách nhiệm chiếm chỗ đứng trung tâm trong công việc của quý vị ngày nay cũng như ngày mai, mà tôi tháp tùng từ đây với những lời cầu chúc tốt đẹp nhất với kinh nguyện của tôi”.

Người ta ghi nhận sự vắng mặt của 3 cường quốc tại Hội nghị Thượng Đỉnh ở Liên Hiệp Quốc về sự thay đổi khí hậu, đó là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Add new comment

12 + 0 =