Đức Tổng giám mục Chủ tịch Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo động viên tinh thần truyền giáo của các giám mục Canada

Đức Tổng giám mục Giampietro Dal Toso | Credit: Bo Petrik / CNA

“Nói rằng Giáo Hội là truyền giáo, thì vẫn chưa đủ, chúng ta còn phải nói đối tượng của việc truyền giáo là dân ngoại, là các dân tộc, là con người, để loan báo đức tin cho họ, nghĩa là Chúa Giêsu đã chết và sống lại để kiến tạo những cộng đồng Kitô mới”.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Trên đây là lời nhấn mạnh của Đức Tổng giám mục Giampietro Dal Toso, Chủ tịch các Hội Giáo Hoàng truyền giáo, người được mời thuyết trình hôm 23-9 vừa qua trong buổi khai mạc Đại Hội của Hội đồng Giám mục Canada, với sự tham dự của hơn 90 giám mục, từ ngày 23 đến 27/09 này tại thành phố Cornwall, bang Ontario.

Tránh lẫn lộn truyền giáo và trợ giúp phát triển

Đức Tổng giám mục Dal Toso cũng là Đồng Phó Tổng thư ký Bộ truyền giáo. Ngài nhấn mạnh giá trị lời quả quyết của Công đồng chung Vatican 2 trong sắc lệnh Ad Gentes về truyền giáo. Đức Tổng giám mục nói: Trong quá khứ nhiều khi người ta hiểu truyền giáo là trợ giúp phát triển, và điều này đã gây nên một số vấn đề ở Canada, vì điều được khai sinh để trợ giúp truyền giáo đã biến thành trợ giúp phát triển”,

Sự cấp thiết truyền giáo cho dân ngoại

Theo Đức Tổng giám mục Dal Toso, thời gian mấy chục năm từ sau Công Đồng chẳng những không giới hạn, nhưng càng làm nổi bật sự cần thiết của công cuộc truyền giáo cho dân ngoại, tức là những người chưa biết Chúa Kitô. Nguyên các con số thống kê ngày nay cũng cho chúng ta thấy sứ vụ truyền giáo là điều cấp thiết: ví dụ tại Anh quốc, 53% dân chúng tuyên bố mình không theo tôn giáo này; tại Đức một cuộc điều tra cho thấy vào năm 2060, các tín hữu Kitô sẽ giảm sút 1 nửa so với tình trạng hiện nay, nhất là nơi những người trẻ từ 25 đến 40 tuổi. Họ không còn rửa tội cho con cái nữa. Vì thế tại tây phương, việc truyền giáo cho dân ngoại là điều cấp thiết.

Giáo Hội tại Canada trở thành giáo hội nhận các linh mục, tu sĩ nước ngoài

Đức Tổng giám mục Dal Toso nhận xét rằng trong quá khứ, Giáo Hội tại Canada đã gửi nhiều thừa sai đi đến các nước, ngày nay thì ngược lại, Giáo Hội tại đây hầu như chỉ đón nhận. Trong lãnh vực này, Đức Tổng giám mục khẳng định rằng hễ một Giáo Hội địa phương càng cởi mở đối với sứ mạng truyền giáo, thì càng khám phá mình là một Giáo Hội hoàn vũ, cởi mở đối với những nhu cầu của tất cả mọi người. Chính hoạt động truyền giáo chứng tỏ rằng không có Giáo Hội nào là tự lập, nhưng sống trong dòng sinh tử liên kết Giáo Hội ấy với tất cả các Giáo Hội”.

Một nhắc nhở cụ thể vấn đề này được Đức Tổng giám mục Dal Toso nêu lên, đó là “việc tiếp đón các linh mục tu sĩ vào các nước Tây phương phải được nghiêm túc theo dõi và sự thỏa thuận giữa Giáo Hội nguyên quán và Giáo Hội đón tiếp phải dự trù một hạn kỳ, xét vì chúng ta không thể làm cho các xứ truyền giáo trợ nên nghèo về số giáo sĩ mà chính họ cũng đang cần”. (Fides 24-9-2019)

Add new comment

6 + 4 =