Thượng Hội đồng Giám mục về miền Amazzonia - Ngày 7

Phiên khoáng đại hôm 15/10 | Vatican Media

Thứ Tư, ngày 16/10, và Thứ Năm, ngày 17/10/2019, sau 12 phiên họp khoáng đại, Thượng Hội đồng Giám mục về miền Amazzonia lại nhóm họp trong 12 nhóm nhỏ, được phân chia theo 4 ngôn ngữ, mỗi nhóm khoảng 22 người, để đào sâu các vấn đề và chuẩn bị soạn Văn kiện chung kết sẽ được thảo luận trong tuần lễ tới đây và bỏ phiếu.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Danh sách Ủy ban soạn văn kiện chung kết đã được công bố, đứng đầu là Đức Hồng y Chủ tịch Claudio Hummes, 85 tuổi, người Brazil thuộc dòng Phanxicô và là Chủ tịch liên mạng các Giáo Hội miền Amazzonia, gọi tắt là Repam. Ủy ban gồm 12 thành viên, trong đó có 4 vi thuộc ban điều hành Thượng Hội đồng Giám mục hiện nay, 4 vị do các nghị phụ bầu lên và 4 vị khác do Đức Thánh Cha bổ nhiệm.

Sáng Thứ Ba, 15/10 vừa qua, Thượng Hội đồng Giám mục đã nhóm phiên khoáng đại thứ 11 trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha và 180 nghị phụ.

Thành lập cơ quan phối hợp và đài quan sát

Trong số những đề nghị được đưa ra, có việc cấp thiết thành lập một cơ quan Giám mục thường trực và có tính chất đại diện, được Liên mạng Giáo Hội miền Amazzonia, gọi tắt là Repam, phối hợp, để thăng tiến công nghị tính, hay nói đơn sơ là sự cộng tác tại miền Amazzonia. Cơ quan này, liên kết với Liên Hội đồng Giám mục Mỹ châu la tinh, gọi tắt là Celam, với mục đích giúp thực hiện một nền mục vụ chung hữu hiệu hơn, cụ thể hóa cả những hướng đi do Đức Thánh Cha Phanxicô đề ra sau Thượng Hội đồng Giám mục này. Ngoài ra, cơ quan đó cũng hoạt động để bênh vực các quyền của thổ dân bản địa, huấn luyện toàn diện cho các nhân viên mục vụ, và thiết lập các chủng viện cho miền Amazzonia. Hoạt động mục vụ chung như thế, được tất cả các đơn vị Giáo Hội tại miền Amazzonia đề xướng, trong tương quan với tổ chức Celam, sẽ rất hữu ích để đương đầu với các vấn đề chung, như nạn khai thác bóc lột lãnh thổ, nạn phạm pháp, buôn bán ma túy, buôn người và nạn mại dâm.

Cũng trong viễn tượng này, đề nghị thành lập một “Đài quan sát về nhân quyền và bảo vệ miền Amazzonia” cũng được đề ra, và nhắc đến những thảm trạng của các thổ dân miền này, những vấn đề xuất phát từ chế độ thực dân, di dân nội địa và sự bành trướng các kiểu mẫu kinh tế cướp bóc và thực dân, thường kéo theo sự giết hại, truất hữu, chiếm đất đai và trục xuất các cộng đoàn thổ dân ra khỏi lãnh thổ của họ, buộc họ phải tản cư đi nơi khác.

Riêng đối với các sắc dân di động, cần phải hiểu họ theo đặc tính của họ và đề ra việc mục vụ chuyên biệt đối với các sắc dân này, để các nhân quyền của họ, cũng như quyền về môi sinh của họ, được tôn trọng, đặc biệt là quyền được tham khảo ý kiến và thông tin trước khi có những hoạt động liên hệ tới lãnh thổ của họ.

Dấn thân truyền giáo và chứng tá của các vị tử đạo

Một số nghị phụ, trong bài phát biểu, đã đề cập đến nạn bạo hành: miền Amazzonia giống như một phụ nữ bị hãm hiếp, cần lắng nghe tiếng kêu của họ, và chỉ như thế chúng ta mới có thể thức tỉnh việc loan báo Tin Mừng. Thực vậy, việc loan báo Tin Mừng hữu hiệu chỉ xảy đến khi tiếp xúc với những đau khổ của thế giới đang chờ được tình thương của Chúa Kitô cứu độ, nhờ một nền thần học về cuộc sống.

Trong viễn tượng này, việc nhắc nhớ tấm gương quý giá của các thừa sai tử đạo trong vùng là điều cần thiết, như Đức Cha Alejandro Labaka, dòng Capuchino người Tây Ban Nha, bị sát hại tại Ecuador, nữ tu Inès Arango dòng ba Capuchin, bị giết năm 1987 cũng tại Ecuador, hoặc nữ tu Dorothy Stang, thừa sai người Mỹ, đã hiến mạng sống để bênh vực những người dân vô phương thế tự vệ ở miền Amazzonia và để bảo vệ lãnh thổ của họ. Cần hỗ trợ nhiều hơn công cuộc truyền giáo tại miền này, và cũng có nghị phụ đề nghị thành lập một ngân quỹ, quốc gia cũng như quốc tế, để củng cố việc truyền giáo ở miền Amazzonia, nhất là tài trợ các phí tổn di chuyển và huấn luyện chính các thừa sai.

Câu trả lời từ Thánh Thể

Đứng trước tình trạng khó khăn tại miền Amazzonia, những câu trả lời quan trọng đến từ Thánh Thể, qua đó ơn thánh của Chúa được chuyển thông và từ thừa tác vụ phổ biến hơn, bắt đầu từ các phụ nữ, vốn là những người giữ vai chính trong việc thông truyền ý nghĩa cốt yếu của sự sống. Có những bài phát biểu trong Hội trường đề nghị xét lại thừa tác vụ. Nhiều cộng đoàn rất ít có thánh lễ vì thiếu linh mục. Vì thế có đề nghị nên thay đổi các tiêu chuẩn chọn lựa và chuẩn bị các thừa tác viên được phép cử hành bí tích ấy, để tránh tình trạng chỉ một thiểu số được cử hành bí tích này.

Phiên khoáng đại thứ 12

Lúc 4 giờ rưỡi chiều cùng ngày Thứ Ba, 15/10, Thượng Hội đồng Giám mục Amazzonia đã nhóm phiên khoáng đại thứ 12. Trước sự hiện diện của 173 nghị phụ cùng với Đức Thánh Cha. Những ý tưởng nổi bật được nêu lên là: miền Amazzonia mong muốn một Giáo Hội là đồng minh của họ. Không thể nói về người nghèo mà quên dân chúng đang chịu đóng đinh: sự quên lãng như thế là một tội dửng dưng, lãnh đạm hoặc một tội thiếu sót. Vì thế Giáo Hội được tái kêu gọi hãy làm nổi bật tiếng kêu của dân chúng và của trái đất, trong tinh thần Tin Mừng. Chỉ như thế Giáo Hội mới có khuôn mặt của người Samaritano nhân lành và là thừa sai, bênh vực những người rốt cùng, không sự chiều kích tử đạo, vì “chẳng thà chết cho sự sống, còn hơn là sống để phục vụ sự chết”.

Về thảm trạng của các cộng đoàn không có linh mục chăm sóc: một số nghị phụ nhắc đến sự kiện 70% các tín hữu ở miền Amazzonia chỉ được linh mục viếng thăm một hai lần mỗi năm: họ thiếu các bí tích, Lời Chúa và những buổi cử hành chính yếu đối với Kitô giáo như lễ Phục Sinh, Chúa Thánh Thần Hiện xuống và Giáng Sinh. Có những người đi theo các hệ phái Kitô khác để khỏi ở trong tình trạng đoàn chiên không có mục tử. Giáo Hội hoàn vũ không thể dửng dưng đối với tình trạng này, cần có những chọn lựa can đảm, cởi mở đối với tiếng nói của Chúa Thánh Linh.

Thảm trạng di dân cũng được bàn tới: những người dân phải rời bỏ quê hương đi tới các thành thị tìm công ăn việc làm trong một môi trường họ cảm thấy như bị mất gốc, giữa những mâu thuẫn về chính trị, xã hội, kinh tế, cuộc sống trống rỗng và cá nhân chủ nghĩa thái quá. Trong môi trường như thế, thổ dân là người vật lộn để sống còn. Trong bối cảnh đó, thành thị là nơi truyền giáo và thánh hóa. Cần cổ võ một nền mục vụ chuyên biệt, coi các thổ dân như những người giữ vai chính. Ngoài ra, cần quyết liệt bênh vực các thổ dân, quyền của họ được có văn hóa, thần học và tôn giáo, như một điều phong phú cần được bảo tồn.

Ngoài ra cũng có vấn đề lương thực và nước. 26% nước ngọt của trái đất đến từ miền Amazzonia. Nước trong lành của miền này có thể góp phần giảm bớt nạn đói trên thế giới.

Trong phần phát biểu tự do, Đức Thánh Cha cũng lên tiếng bày tỏ cảm tưởng. Các nghị phụ cũng xem một đoạn phim về sáng kiến “Tàu bệnh viện Đức Giáo Hoàng Phanxicô” được khánh thành hồi tháng 8 vừa qua, với mục đích mang Tin Mừng và sự trợ giúp y tế cho hàng trăm ngàn người dân sống dọc theo sông Amazzoni thuộc bang Parà bên Brazil, và là nơi chỉ có thể lui tới bằng đường sông ngòi.

Add new comment

13 + 2 =