Phút Cầu Nguyện, Thứ Tư 06/11/2019

NGHÈO

Có một người nghèo đến xin thỉnh vấn vị đạo sĩ, ông nói: “Thưa thầy, tại sao cuộc đời con nghèo mãi như thế này?” Vị đạo sĩ nói: “Vì con chưa học cách trao tặng cho người khác”. Người nghèo nói: “Con không có một thứ gì đáng giá để mà trao tặng”. Vị đạo sĩ ân cần đáp lại: “Một người không có một thứ gì đáng giá cũng có thể cho người khác những điều này, đó là: tươi cười khi xử sự với người, nói những lời động viên an ủi, cởi mở tấm lòng hòa ái với người, nhìn người khác với ánh mắt thiện lương và ra tay giúp đỡ họ”.

Quý vị và các bạn thân mến,

Ai đó đã từng nói “Cõng nghèo mà đổ lên non. Cong lưng mà chạy nghèo còn theo sau”. Cái nghèo bị xem như một nghiệp chướng luôn đeo bám con người. Người ta sợ hãi, vùng vẫy chạy trốn và tìm đủ mọi cách để thoát cảnh nghèo khổ. Vừa qua, báo chí đã đưa tin về cái chết thương tâm của 39 người trong thùng xe đông lạnh để được vào nước Anh là một ví dụ cho cảnh thoát nghèo. Trong số họ, có những thanh niên thiếu nữ còn rất trẻ, họ đi với một mong muốn thay đổi số phận và cuộc đời. Bất chấp nguy hiểm về tính mạng, họ tìm đến những quốc gia giàu có như đi tìm “miền đất hứa chảy sữa và mật”. Tiếc thay, đó chỉ là thứ sữa chua và mật đắng! Điều đó còn cho thấy, con đường thoát nghèo chưa bao giờ là dễ dàng.

Người ta thường cho rằng, người nghèo là những người thiếu thốn về của cải vật chất, là những người cùng đinh trong xã hội. Thế nhưng, có một thứ nghèo đáng sợ hơn cơm ăn áo mặc, đó là cái nghèo về tinh thần. Theo Đức hồng y Henri Nouwen, tất cả chúng ta đều là những người nghèo về một phương diện nào đó. Người nghèo ở ngay giữa lòng Giáo hội. Thoạt nhìn, chúng ta nghĩ họ là những người không giống với chúng ta: những người sống trong khu ổ chuột, những người lãnh thức ăn miễn phí ở các cơ sở từ thiện, những người ngủ lang thang trên hè phố, những tù nhân, bệnh nhân tâm thần và những người ở viện dưỡng lão. Tuy nhiên, người nghèo có thể ở rất gần chúng ta. Họ có thể là người ở ngay trong gia đình, giáo xứ và nơi làm việc của chúng ta. Và gần hơn nữa, có khi là chính chúng ta, lúc mà chúng ta cảm thấy mình không được yêu thương, bị loại bỏ, bị hành hạ hay bị lãng quên (x. Henri J.M.Nouwen – Bread for the Journey).

Với Chúa Giêsu, nghèo là một mối phúc (x. Mt 5, 3) dẫn đến hạnh phúc Nước Trời. Chính Chúa Giêsu đã trả giá cho mối phúc ấy bằng cảnh sống “không có chỗ tựa đầu” (x. Lc 9, 58) để tự do thi hành thánh ý Cha. Người đã đến làm bạn với những người nghèo khổ, những bà góa và người tội lỗi. Người vốn giàu sang nhưng đã tự hạ mang lấy mọi nỗi khốn cùng của con người. Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về sự tự hủy thẳm sâu để dạy ta bài học khiêm tốn và tin tưởng phó thác vào tình thương của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã đón nhận tất cả sự phản bội thất tín của các môn đệ, sự khinh miệt của đám dân chúng, nhất là sự chống đối của các kinh sư Biệt phái. Và cuối cùng Người đã chết, đã trao hiến trọn vẹn tình yêu. Trong ý nghĩa đó, Giáo hội mời gọi chúng ta mở rộng con tim, giang rộng đôi tay ôm lấy anh chị em xung quanh chúng ta; xưng thú mọi tội lỗi; chữa lành vết thương và cùng nhau quy tụ quanh bàn tiệc của Chúa Giêsu để chia sẻ cùng một tấm bánh. Nhờ vậy, như những người nghèo, chúng ta nhận ra Chúa Giêsu, Đấng trở nên nghèo khó vì chúng ta.

Trong xã hội hôm nay, một xã hội mà Thần Thánh bị đẩy ra sau thần Tiền, người ta đo tấm lòng của nhau bằng mệnh giá của những đồng tiền, của những phương tiện đồ dùng xa xỉ, thì người nghèo ngày càng bị đẩy ra bên lề xã hội. Họ bị coi như một thứ đồ vật hàng hóa, bị lợi dụng, bị bóc lột sức lao động. Tiếng kêu cứu về nỗi khổ đau của họ như rơi vào vô vọng.  

 Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức những giới hạn của chính mình là một người nghèo, để từ đó chúng con biết cảm thông, tôn trọng và yêu mến những người nghèo như Chúa đã yêu thương và cứu độ chúng con. Amen

Nt. Anh Thư     

Add new comment

5 + 0 =