Phút Cầu Nguyện, Thứ Sáu 06/12/2019

TÔI VÀ CHÚNG TA

Trong giờ học môn giáo dục, thầy giáo hỏi các học trò: “Các em thân mến, theo các em, làm thế nào để giữ cho một giọt nước không bị khô cạn?” Các học trò im lặng suy nghĩ hồi lâu mà vẫn chưa có câu trả lời. Thầy giáo liền giải thích: “Khi một giọt nước bị đổ ra, nó sẽ bị gió thổi làm cho khô cạn, đất có thể hút nó, mặt trời có thể làm nó bay hơi. Muốn giữ cho giọt nước không bị khô cạn, chỉ có cách là để nó hòa mình vào với biển khơi. Cũng vậy, một người không thể đủ sức để chống đỡ những khó khăn trong thiên hạ. Thế nên, muốn có được sức mạnh và thành công thì phải học cách hợp tác với người khác. Một cây làm chẳng nên non, một cá nhân dẫu khỏe mạnh thế nào đi nữa thì cũng không bằng tập thể hợp sức lại”.

Quý vị và các bạn thân mến,

Ai đó đã từng nói “Một chữ tình để duy trì thế giới, một chữ tài để tô điểm càn khôn”. Thà không hiện hữu trên đời còn hơn là sống mà không tương giao với vũ trụ thế giới và con người. Trong cái nhìn của triết Đông: Vũ trụ khởi nguyên từ thái cực. Vào buổi ban sơ, vũ trụ là một khối hỗn mang, sau đó triển khai thành hai thể âm và dương. Dịch lý cho thấy, thiên nhiên là tổ hợp tương tác tương sinh theo luật âm dương tiêu trưởng. Từ ý nghĩa đó luôn diễn ra sự sung mãn, bù đắp, nuôi nấng, hủy diệt. Âm dương không thể đứng riêng một mình, “cô dương bất thành, độc âm bất sinh”. Giữa âm dương có sự tương tác qua lại với nhau thế nào thì giữa người với người, với vạn vật cũng vậy. Còn người phương Đông thì quan niệm con người sống là sống cùng, sống với và sống vì. Như vậy, ý nghĩa cuộc đời tôi được thể hiện trong ý nghĩa của sự liên kết cộng đồng chúng ta. Trong khi triết gia Jean Paul Sartre cho rằng “tha nhân là hỏa ngục”, thì ở phương Đông con người luôn tìm cách hòa nhập với thế giới. Một khi con người chối bỏ vũ trụ thế giới là tự đào thải chính mình. Con người tự bản chất khiếm khuyết, luôn cần sự nâng đỡ của người khác, luôn phải sống nhờ vào thế giới.

Mỗi người là một cái “tôi” độc đáo, dẫu vậy vẫn không thể hoàn thiện nếu không hòa nhập với “chúng ta”. Tự tách mình ra khỏi thế giới là phủ nhận sự hiện hữu của chính mình. Tương quan giữa con người với vũ trụ cũng là tương quan giữa con người với nhau. Chính cuộc sống là nơi diễn tả mối tương quan ấy. Con người cũng như vũ trụ, không thể tự mình đạt được ý nghĩa đích thực, song nó chỉ trọn vẹn khi liên đới với nhau. Vũ trụ có thể thật mênh mông, thật đẹp, thật huy hoàng mà cũng thật đáng trách, ghê rợn vì hay đe dọa con người bằng những tai ương. Thiên Chúa đã tạo tác vũ trụ cho con người, trong chiều kích linh thánh, không chỉ con người mà cả vũ trụ cũng được cứu độ “Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên vẫn còn niềm trông cậy là có ngày sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát mà cùng con cái Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8, 19-21).

Bằng sự tiến bộ của khoa học, phương Tây đã khai thác, vắt kiệt thiên nhiên làm cho tầng khí quyển bị tổn hại, môi trường sinh thái bị ô nhiễm. Trong khi đó, phương Đông luôn thiết lập mối tương quan với vũ trụ, đem cái tâm của mình thực hiện sự hòa đồng bao la. Phương Tây quan niệm hoa quả đất đá chỉ là vật vô tri, vô giác, sử dụng rồi phế bỏ. Còn phương Đông đề cao tinh thần hòa ái. Người Ấn Độ mời gọi “Hãy chào mừng mặt trời, chào mừng suối nước, chào mừng đất đai phì nhiêu như biểu thị của cùng một chân lý”.

Lạy Chúa, Chúa đã cho Ngôi Lời nhập thể để cứu độ vũ trụ vạn vật và con người. Chúng con cảm tạ Chúa đã mời gọi chúng con sinh vào đời, góp phần làm nên lịch sử cứu độ. Với ý thức là người yếu hèn tội lỗi, xin cho chúng con biết cộng tác với ơn Chúa sống trọn ơn gọi làm người và vươn đến sự toàn thiện như ý muốn yêu thương của Chúa. Amen

Nt. Anh Thư     

Add new comment

7 + 2 =