Đức Thánh Cha tiếp kiến các nữ trợ tá giáo phận

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến các nữ trợ tá giáo phận và các nữ cộng tác viên mục vụ của các giáo phận Bắc Italia | Vatican Media

Sáng hôm 14/12/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các nữ trợ tá giáo phận và các nữ cộng tác viên mục vụ của các giáo phận Bắc Italia và ngài đề cao ơn gọi đặc thù của các chị.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Các nữ trợ tá và cộng tác viên mục vụ thường là những phụ nữ thánh hiến, họp thành những hiệp hội công khai của các tín hữu, theo luật giáo phận, thi hành các công tác phục vụ đa dạng tại các giáo xứ, các cộng đoàn mục vụ, các hoạt động bác ái, phụng vụ, y tế, giúp đỡ người di dân, việc mục vụ gia đình và giới trẻ, v.v.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến có Đức Cha Mario Delpini, Tổng giám mục giáo phận Milano, một số Giám mục và linh mục khác thuộc các giáo phận bắc Italia.

Huấn dụ của Đức Thánh Cha

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nhắc đến những phụ nữ trong số các môn đệ của Chúa Giêsu, đã cộng tác chặt chẽ với 12 tông đồ. Trong số các phụ nữ ấy có Maria Madalena, người có một đoàn sủng đặc biệt về niềm tin yêu Chúa, được Chúa hiện ra đầu tiên sau khi sống lại và ủy thác cho bà loan tin cho các anh em: bà thực là tông đồ của các tông đồ.

Đức Thánh Cha đánh giá cao sự kiện các nữ trợ tá giáo phận và các nữ cộng tác viên mục vụ, khi trình bày về đặc sủng của mình, đã tham chiếu một đoạn trong Tông Huấn “Niềm vui Tin Mừng” (Evangelii gaudium), khẳng định rằng: “Sứ mạng là một lòng say mê Chúa Giêsu, nhưng đồng thời cũng là lòng hăng say đối với dân Chúa [...]. Như thế, chúng ta tái khám phá thấy chính Chúa muốn dùng chúng ta để càng đến gần dân yêu quý của Ngài hơn. Chúa chọn chúng ta giữa dân và Ngài, gửi chúng ta đến giữa dân, đến độ không hiểu được căn tính của chúng ta nếu không có sự kiện chúng ta thuộc về dân Chúa” (n. 268).

Đức Thánh Cha giải thích rằng: “Đối với chị em, dân Chúa ở đây có khuôn mặt cụ thể là giáo phận của anh chị em. Thực vậy, các danh xưng tất cả các tu hội của chị em hiện diện nơi đây đều được gọi là thuộc về giáo phận. Đó là một sự định rõ ranh giới, nhưng nó có một nghĩa căn cội, chứ không có nghĩa là khép kín, ý nghĩa trung thành, chứ không có nghĩa là cục bộ, tận tụy chứ không phải là loại trừ”.

(SS. Vat 14-12-2019)

Add new comment

6 + 11 =