Phút Cầu Nguyện, Thứ Sáu 27/12/2019

Thánh Philipphê Phan Văn Minh (1815-1853)

Cầu cho các văn nhân – nghệ sĩ

Hôm nay, phụng vụ Giáo hội mừng kính thánh Gioan tông đồ. Hình ảnh vị tông đồ chiêm niệm, son sắt với tình yêu trung kiên, sẵn sàng làm chứng cho Chúa, gợi cho ta nhớ đến thánh tử đạo Việt Nam - Philipphê Phan Văn Minh, người cũng có một cuộc đời tương tự: chiêm niệm sâu sắc, viết những tác phẩm bất hủ cảm nghiệm về tình yêu Chúa và hưởng phúc tử đạo. Hướng về thánh Gioan tông đồ, cùng cầu nguyện với thánh Philipphê Phan Văn Minh, chúng ta xin Chúa cho chúng ta cũng khao khát làm tông đồ, khao khát kết hiệp với Chúa và ước ao được phúc tử đạo trong đời sống hằng ngày như các ngài.

Philipphê Phan Văn Minh, sinh năm 1815 tại Cái Mơn, Vĩnh Long, trong một gia đình Công giáo đạo đức. Cha mẹ cậu mất sớm, người chị lớn trong gia đình chăm sóc và lo cho đời sống đức tin của cậu. Cậu được rước lễ lần đầu và lãnh nhận bí tích thêm sức năm 13 tuổi.

Vì mồ côi cả cha lẫn mẹ từ sớm nên ngay từ nhỏ, cậu Philipphê Phan Văn Minh được Đức Cha Taberd nhận nuôi và gửi cậu vào chủng viện Lái Thêu. Năm cậu 18 tuổi (1833), chủng viện Lái Thêu phải đóng cửa vì lệnh cấm đạo của vua Minh Mạng. Thầy Phan Văn Minh theo Đức Cha lánh sang Thái Lan rồi sau đó, Đức Cha gửi thầy sang du học tại Đại chủng viện Pénăng, Mã Lai. Thầy có trí thông minh – học hành xuất sắc, có lòng đạo đức thánh thiện của bậc tu trì, thầy sống chan hòa vui vẻ và khiêm tốn với mọi người nên được mọi người quý mến. Cũng trong giai đoạn này thầy đã cộng tác với Đức Cha Taberd soạn bộ Tự điển Annam – Latinh vì thầy giỏi về cả tiếng Latinh lẫn tiếng Việt.

Khi hoàn tất chương trình học, thầy được lãnh chức phó tế rồi trở về Việt Nam phục vụ. Trong bối cảnh bách hại đạo Công giáo gay gắt tại Việt Nam lúc bấy giờ, Đức Cha Cuénot Thể đã mau mắn truyền chức linh mục cho thầy Philipphê Phan Văn Minh lúc thầy 31 tuổi.

Vua Thiệu Trị lên ngôi, đạo Chúa được hưởng một thời gian tương đối an bình, cha Phan Văn Minh thi hành việc mục vụ với tất cả nhiệt huyết trong quyền hạn đã được ban phép cho cha. Khi vua Tự Đức lên ngôi, lệnh cấm đạo lại trở nên tàn ác dữ dội hơn bao giờ hết. Trong những năm vô cùng khó khăn này, cha Phan Văn Minh vẫn một lòng tin cậy phó thác nơi Chúa và bình tĩnh thi hành mọi công tác mục vụ hằng ngày. Bên cạnh đó, cha còn lo việc cổ động ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Ngày 26/02, quân lính đã được chỉ điểm bao vây nhà ông Trùm Nguyễn Văn Lựu. Quan ra lệnh bắt trói mọi người trong nhà, trong số đó có cả mấy chủng sinh cũng đang lẩn trốn với cha ở đó. Thấy cả nhà bị bắt, sợ vì cha mà cả nhà bị hành khổ, cha Phan Văn Minh ra nộp mình. Sau đó quan bắt trói cha giải về tỉnh Vĩnh Long. Tại nhà giam tỉnh Vĩnh Long, trước tất cả những cám dỗ và hình phạt đau đớn cha Phan Văn Minh vẫn giữ vững lập trường sắt đá, không bao giờ bước qua Thánh Giá, không bao giờ bỏ Chúa, quyết chí trung thành với Chúa và Hội Thánh. Ngày 03/7/1853 vua Tự Đức truyền phải xử tử cha Phan Văn Minh.

Cái chết của thánh Philipphê Phan Văn Minh không đi vào quên lãng. Thánh nhân để lại cho đời và cho người một kho tàng của sự thánh thiện đó là khối lượng văn thơ Công giáo dạt dào[1] - một con đường nối trời và đất bằng sự thấu cảm nhạy bén.

Hôm nay Giáo hội mừng lễ thánh Gioan Tông Đồ - ngài là một con người có tâm hồn nhạy bén sâu sắc, cũng là người biết cách diễn đạt điều khó diễn đạt bằng ngôn từ và xúc cảm tinh tế. Đạt được điều đó, hẳn nhiên thánh nhân đã là người có đời sống chìm đắm trong chiêm niệm tâm linh. Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng có một vị thánh lỗi lạc như vậy đó là Philipphê Phan Văn Minh. Ngài là một khuôn mặt hoạt động trong lãnh vực nghệ thuật văn chương và dùng tài năng thiên bẩm để nối kết tình Chúa và tình người. Chúng ta xin thánh nhân cầu bầu cho các nghệ sĩ, những ai đang làm trong lãnh vực nghệ thuật văn học biết dùng tài trí uyên thâm phục vụ lợi ích cộng đồng.

Lạy Chúa, để có một tâm hồn thơ đã là một ân ban, nhưng để dùng ân ban ấy phục vụ công ích vẫn cần sự chuyên sâu trong đức tin và ân sủng. Chúng con ước mong có nhiều người dùng khả năng Chúa ban để xoa dịu lòng người, làm ấm cuộc đời và giúp con người hướng về Chân - Thiện - Mỹ. Xin mượn lời cầu nguyện của Giáo hội khi nhắc đến những người làm công tác nghệ thuật như lời kết cho phút giây này: Chúa ban cho nghệ sĩ biệt tài phô diễn vẻ huy hoàng của Chúa, - ước gì khả năng của họ làm cho thế giới này thêm phấn khởi vui tươi hơn.[2] Amen

Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P     


[1]  Thánh nhân sáng tác khoảng 120-150 bài thơ Công giáo, là người có công trong việc soạn thảo tự điển La-Việt, Việt-La, Việt-La-Hán. (Tài liệu, Lm Vinh Sơn Bùi Đức Sinh.OP)

[2] GKPV, thứ Ba, kinh chiều II.

Add new comment

8 + 0 =