Radio Veritas Asia Buick St., Fairview Park, Quezon City, Metro Manila. 1106 Philippines | + 632 9390011-15 | +6329390011-15
Phút Cầu Nguyện, Thứ Tư 01/01/2020
NGHỆ NHÂN CỦA HÒA BÌNH
Quý vị và các bạn thân mến,
Người dân ở nước Nhật tin rằng khi muốn cầu nguyện hoặc có một điều ước về sức khỏe, quốc thái dân an và hòa bình thế giới thì sau khi gấp được 1000 con hạc giấy, điều ấy sẽ trở thành sự thật. Người ta kể lại rằng: Khi thành phố Hiroshima bị ném bom, cô bé Sadako Sasaki mới hai tuổi đã may mắn thoát chết, nhưng cơ thể em đã bị nhiễm phóng xạ. Mười năm sau đó, em lâm bệnh nặng. Khi nằm trong bệnh viện nhẩm đếm từng ngày còn lại của cuộc đời mình, Sadako đã tin rằng nếu gấp đủ một nghìn con hạc bằng giấy treo quanh phòng, em sẽ khỏi bệnh. Thế là cô bé liền lặng lẽ gấp những con hạc giấy. Ngày qua ngày, em vẫn miệt mài gấp từng chú hạc nhỏ. Một chú hạc giấy vừa được hoàn thành là em lại nở nụ cười bởi niềm tin được gia tăng. Thế nhưng khi mới gấp được 644 chú hạc giấy thì Sadako đã mãi mãi lìa xa cõi đời này.
Xúc động trước cái chết của em, học sinh thành phố Hiroshima đã quyên góp tiền xây dựng một tượng đài tưởng nhớ những nạn nhân bị bom nguyên tử sát hại. Trên đỉnh tượng đài cao chín mét là hình một em gái giơ cao hai tay lên trời để nâng một con hạc. Bên dưới tượng đài có khắc dòng chữ: “Chúng tôi muốn thế giới này mãi mãi hòa bình”.
Quý vị và các bạn thân mến,
Lịch sử của nhân loại đầy dẫy những cuộc chiến tranh. Những cuộc chiến tranh đó dù diễn ra dưới bất cứ hình thức nào cũng đe dọa sự sống của con người và nền hòa bình của nhân loại. Là nạn nhân của thảm họa bom nguyên tử, tính mạng của cô bé Sadako bị đe dọa và cô bé đã khao khát được sống. Niềm khát khao ấy được diễn tả qua niềm hy vọng và sự kiên trì xếp những con hạc giấy. Nỗ lực xếp một nghìn con hạc giấy không chỉ là ước mơ có được sự hồi phục về sức khỏe để được sống của cô bé Sadako mà còn là biểu tượng cho niềm mong ước hòa bình của người Nhật, là lời cổ võ cho việc kiến tạo hòa bình của mọi người trên thế giới.
Ngày hôm nay, mặc dù những cuộc chiến tranh bom đạn đã được đẩy lui ở nhiều quốc gia, hòa bình vẫn còn là điều rất xa lạ đối với nhiều đất nước và dân tộc. Tại sao lại như vậy? Để giải đáp cho sự trăn trở này, Công đồng Vatican II đã khẳng định trong Hiến chế Mục Vụ Gaudium et Spes rằng: “Hòa bình không hẳn là vắng bóng chiến tranh, cũng không chỉ được giản lược vào một sự quân bình giữa các lực lượng đối phương, cũng không phát xuất do một nền cai trị độc tài. Hòa bình là công trình của công bằng, là kết quả của một trật tự đã được chính Thiên Chúa ghi khắc vào xã hội loài người và phải nhờ những người luôn luôn khao khát một nền công bằng hoàn hảo hơn thể hiện ra trong hành động” (GS, 78). Điều này giúp chúng ta nhận ra rằng để hòa bình được kiến tạo và tồn tại trong cuộc sống con người và trên mọi quốc gia trên thế giới cần có những nỗ lực và hành động cụ thể của tất cả mọi người.
Công cuộc kiến tạo hòa bình không thể dễ dàng được hoàn tất trong một sớm một chiều. Do vậy mà nỗi thao thức và ưu tư về hòa bình của thế giới vẫn luôn canh cánh trong tâm tư cũng như cuộc sống và sứ mệnh của Giáo hội Công Giáo chúng ta. Sau sáng kiến của Đức Thánh Cha Phaolô VI vào năm 1968, ngày 01/01 hằng năm đã trở thành ngày “Hoà bình Thế giới”, ngày mà chúng ta nhận được những chỉ dẫn cụ thể về cách thức xây dựng hòa bình trong cuộc sống cá nhân và ngôi nhà chung của nhân loại nơi sứ điệp hòa bình của Đức Thánh Cha. Trong ngày Thế Giới Hòa Bình năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi chúng ta hãy trở thành những nghệ nhân của hòa bình bằng cách mở ra những cuộc đối thoại trong sự thật, công lý và bác ái, đồng thời thực hiện một cuộc hành trình hòa giải trong tình hiệp thông huynh đệ. Hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô và mọi con tim đang khao khát hòa bình, chúng ta hãy cất lên lời khẩn nguyện: “Lạy Chúa xin cho chúng con được trở thành khí cụ xây dựng hòa bình của Chúa”.
Lạy Chúa Giêsu, Hoàng Tử Bình An, chỉ có Chúa mới đem đến hòa bình đích thực cho nhân loại chúng con. Xin Chúa hãy thắp lên trong cõi lòng chúng con niềm say mê hòa bình và không ngừng nỗ lực xây dựng hòa bình ấy qua lối sống hài hòa với mọi người, mọi sinh vật và vui vẻ chu toàn những bổn phận nhỏ bé hằng ngày. Nhờ đó, ánh lửa hòa bình đã được chúng con thắp lên nơi gia đình, khu xóm bé nhỏ hay môi trường làm việc của mình sẽ bừng lên thành ngọn lửa hòa bình trên quê hương đất nước và khắp mọi nơi trên thế giới. Amen.
Duy An
Add new comment