Đức Thánh Cha: Tuy bị bách hại và xiềng xích, Giáo Hội không bao giờ mệt mỏi đón nhận mọi người

Đức Thánh Cha Phanxicô | Vatican Media

Lúc quá 9 giờ sáng, Thứ Tư ngày 15/01/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng hơn 7 ngàn tín hữu hành hương ngồi chật Đại thính đường Phaolô 6 ở nội thành Vatican. Đây là buổi tiếp kiến chung thứ hai trong năm mới 2020 này.


G. Trần Đức Anh, O.P

Như thường lệ, buổi tiếp kiến bắt đầu với phần tôn vinh Lời Chúa qua đoạn sách Tông Đồ công vụ, trong đó có câu: “Thánh Phaolô đón tiếp tất cả mọi người đến gặp ngài, loan báo Nước Thiên Chúa... với tất cả sự thẳng thắn và không bị cấm cản” (Cv 28,30-31).

Tiếp đến, Đức Thánh Cha trình bày bài huấn giáo thứ 20 và cũng là bài cuối cùng trong loạt bài về sách Tông Đồ Công Vụ và có chủ đề là: “Thánh Phaolô bị cầm giữ ở Roma và việc loan báo được phong phú.”

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta kết thúc các bài huấn giáo về sách Tông Đồ công vụ, với giai đoạn truyền giáo cuối cùng của thánh Phaolô Tông Đồ: tại Roma (Xc. Cv 28,14). [Thánh Tông Đồ dân ngoại đến đây sau một hành trình dài và lao đao, bị những đe dọa và nguy hiểm, nhưng cũng có những cuộc gặp gỡ hiếu khách, hương thơm đức tin của các môn đệ Chúa Kitô, những mạc khải an ủi và khích lệ của Chúa.]

Hành trình của Thánh Phaolô, họp với hành trình của Tin Mừng thành một toàn thể, là bằng chứng cho thấy những con đường của con người, nếu được sống trong đức tin, có thể trở thành không gian ơn cứu độ của Chúa, qua Lời đức tin là một men tích cực tác động trong lịch sử, có khả năng biến đổi những hoàn cảnh và mở ra những con đường luôn mới mẻ.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng: [“Những thăng trầm của thánh Phaolô không làm cho Lời Chúa bị giảm năng lực, nhưng càng tăng cường mạnh mẽ hơn. Cuộc sống của thánh nhân, như đất sét mong manh, không bóp nghẹt kho báu quyền năng của Thiên Chúa (Xc. 2 Cr 4,7), trái lại đưa ra ánh sáng, tỏ cho thấy việc điều hành các biến cố không phải là điều thuộc về con người, nhưng thuộc Thánh Linh, Đấng làm cho hoạt truyền giáo của Giáo Hội được phong phú.]

Trình thuật của Tông đồ Công vụ chấm dứt với việc Thánh Phaolô đến trung tâm của đế quốc La Mã. Trình thuật này không kết thúc bằng cuộc tử đạo của thánh nhân, nhưng với hạt giống dồi dào của Lời Chúa. Phần kết thúc trình thuật của thánh Luca, tập trung vào hành trình của Tin Mừng trong thế giới, chứa đựng và tóm tắt toàn thể năng động của Lời Chúa, Lời không thể chặn đứng, muốn rong ruổi để thông truyền ơn cứu độ cho tất cả mọi người. [Tin Mừng, đã khởi sự cuộc hành trình tại Jerusalem, là thành thánh, và giờ đây đến Roma, từ đó có thể tái khởi hành đi tới các chân trời mới, theo kế hoạch của Thiên Chúa.]

Hoạt động của thánh Phaolô tại Roma

Tại Roma, trước tiên thánh Phaolô gặp các anh chị em trong Chúa Kitô. Họ đón tiếp thánh nhân và khuyến khích ngài (Cv 28,15), và sự đón tiếp nồng nhiệt dành cho ngài khiến cho người ta thấy việc thánh nhân đến đây là điều được chờ đợi và mong ước. Rồi thánh Phaolô được phép tự lo nơi ở dưới sự canh chừng của một người lính canh, ngài bị quản thúc tại gia. Tuy là tù nhân, thánh Phaolô vẫn có thể gặp gỡ các kỳ mục Do thái để giải thích lý do tại sao mình phải khiếu nại lên hoàng đế Cesar và ngài nói với họ về Nước Thiên Chúa. Thánh nhân tìm cách thuyết phục họ về Chúa Giêsu, đi từ Kinh Thánh và chứng tỏ có sự tiếp nối giữa sự mới mẻ của Chúa Kitô và niềm hy vọng của Israel (Cv 28,20). Thánh Phaolô nhìn nhận mình là người Do thái tự thâm tâm, và nhìn thấy trong Tin Mừng mà ngài rao giảng, - nghĩa là trong việc loan báo Chúa Kitô đã chịu chết và sống lại, - sự viên mãn những lời hứa dành cho dân được Chúa tuyển chọn.

Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên không chính thức ấy với những người Do thái rất sẵn sàng, có một cuộc gặp gỡ chính thức hơn, trong đó, trọn một ngày, thánh Phaolô loan báo Nước Chúa và tìm cách thuyết phục những người đối thoại đón nhận niềm tin vào Chúa Giêsu, đi từ “luật Môsê và các Ngôn Sứ” (Cv 28,23). Vì không phải tất cả mọi người đều xác tín, nên thánh nhân tố giác sự cứng lòng của Dân Chúa, là nguyên nhân gây ra sự kết án (Xc. Is 6,9-10), và ngài hăng say ca ngợi ơn cứu độ các dân nước, những người tỏ ra nhạy cảm đối với Thiên Chúa và có khả năng lắng nghe Lời Tin Mừng (Xc. Cv 28,28).

Tới đây, thánh Luca kết thúc trình thuật của ngài, không phải bằng cách tỏ cho chúng ta thấy cái chết của Thánh Phaolô, nhưng là năng động của Lời Chúa “không bị xiềng xích” (2 Tm 2,9) - thánh nhân không được tự do đi lại, nhưng được tự do nói, vì Lời Chúa không bị xiềng xích, đó là Lời sẵn sàng để Thánh Tông Đồ gieo vãi rộng tay. Thánh Phaolô thi hành điều đó “với tất cả sự thẳng thắn và không bị cản trở” (Cv 28,31), tại một nhà nơi ngài đón tiếp những người muốn đón nhận việc loan báo Nước Chúa và tin nhận Chúa Kitô. Nhà này, mở rộng cho tất cả những tâm hồn tìm kiếm, chính là hình ảnh của Giáo Hội, tuy bị bách hại, hiểu lầm và xiềng xích, nhưng không bao giờ mệt mỏi trong việc đón nhận mọi người nam nữ, với tâm hồn hiền mẫu, để loan báo cho họ tình thương của Chúa Cha, Đấng trở nên hữu hình trong Chúa Giêsu.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:

“Anh chị em thân mến, vào cuối hành trình này, mà chúng ta đi theo cùng với hành trình của Tin Mừng, xin Chúa Thánh Linh khơi dậy nơi mỗi người chúng ta ơn gọi trở thành những người can đảm loan báo Tin Mừng trong vui tươi. Ước gì hành trình này cũng làm cho chúng ta, như thánh Phaolô, có khả năng làm cho những căn nhà của chúng ta được thấm nhiễm Tin Mừng và làm cho chúng trở thành những nhà tiệc ly huynh đệ, đón tiếp Chúa Kitô hằng sống, Đấng đến gặp gỡ chúng ta nơi mỗi người và trong mọi thời” (Xc. Kinh Tiền Tụng Mùa Vọng).

Chào thăm các tín hữu

Buổi tiếp kiến được nối tiếp với phần tóm lược bài huấn dụ của Đức Thánh Cha bằng nhiều ngôn ngữ, cùng với những lời chào thăm của ngài được các linh mục tại Tòa Thánh chuyển dịch cho các khách hành hương.

Sau cùng, khi chào bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha đặc biệt nhắc đến các nữ tu dòng Phan Sinh Alcantara, đang cử hành Tổng tu nghị. Ngài khích lệ các chị ngày càng dùng đoàn sủng của mình để phục vụ Giáo Hội. Đức Thánh Cha chào thăm và nhắc đến nhiều hội đoàn và tổ chức khác nhau, trước khi thăm hỏi và khích lệ các đôi tân hôn, người trẻ và bệnh nhân. Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em hãy mở rộng tâm hồn đối với những nhu cầu của Giáo Hội và noi gương Chúa Giêsu, hãy gần gũi các anh chị em khác, kiến tạo một thế giới công chính hơn”.

Add new comment

8 + 1 =