Cha sở ở Aleppo: Lời kêu gọi của Đức Thánh cha là an ủi lớn

Cha Ibrahim Al Sabbagh và một gia đình ở Aleppo | franciscanmissions.org

Cha sở Al Sabbagh ở thành phố Aleppo, bên Siria nhận định rằng lời kêu gọi của Đức Thánh cha Phanxicô về chiến cuộc tại miền Idlib, tây bắc Siria là “một an ủi rất lớn cho chúng tôi”.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Trong buổi đọc kinh Truyền tin, trưa Chúa nhật 09/02/2020 vừa qua với 20 ngàn tín hữu tại Quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh cha nhắc đến “những tin tức đau thương từ miền tây bắc Siria, đặc biệt là về tình trạng của bao nhiêu phụ nữ và trẻ em, những người buộc lòng phải trốn chạy vì sự leo thang các hoạt động quân sự.”

Và Đức Thánh cha tái “tha thiết kêu gọi cộng đồng quốc tế và tất cả những tác nhân có liên hệ với những vụ này, hãy dùng những phương thế ngoại giao, đối thoại và thương thuyết, trong sự tôn trọng công pháp quốc tế về nhân đạo, để cứu vãn sinh mạng và số phận của các thường dân”.

Cha Ibrahim Al Sabbagh của giáo xứ Công giáo La tinh ở thành Aleppo cho biết: “Qua lời kêu gọi của Đức Thánh cha, chúng tôi biết rằng Giáo hội hoàn vũ ở với chúng tôi... lời kêu gọi này làm cho những người liên hệ rất lên tinh thần. Mỗi lần Đức Thánh cha nói về chúng tôi, cầu nguyện và kêu gọi hòa bình cho chúng tôi, chúng tôi cảm thấy rất được an ủi...”.

Cuộc chiến từ năm 2011 tại Siria đã lắng dịu tại nhiều nơi tại nước này, nhưng hiện nay, quân đội chính phủ Siria với sự hỗ trợ của Nga, đang bao vây miền Idlib, là thành trì của các lực lượng phiến quân Hồi giáo, được sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ. Vùng này có khoảng 3 triệu dân cư, và theo Liên Hiệp Quốc, từ tháng 12 năm ngoái đến nay có khoảng 1,5 triệu người di tản khỏi Idlid, trong đó 80% là phụ nữ và trẻ em. Quân đội Thổ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Siria.

Cha Ibrahim Al Sabbagh cho biết có nhiều bom đạn được dội xuống cả những khu vực dân cư ở Idlib, và các cuộc tấn công trong những tháng qua gia tăng cường độ. Bom đạn không phân biệt binh sĩ với thường dân, và có nhiều người chết.

Cha Al Sabbagh cũng nói rằng quanh thành phố Idlib có khoảng 700 tín hữu Kitô, và hồi tháng 8 năm ngoái, họ không chạy đi nơi khác, và nay ở trong vùng có giao tranh. Tình trạng của họ thật khó khăn.

Các tu sĩ dòng Phanxicô thuộc chi dòng ở Thánh Địa vẫn luôn ở lại với các tín hữu Kitô để săn sóc họ, không phân biệt cộng đoàn Công Giáo, hay Armeni, hoặc Chính Thống Hy Lạp. Các linh mục tìm mọi cách giúp đỡ họ, cả về phương diện vật chất bao nhiêu có thể.

(KNA 10-2-2020)

Add new comment

1 + 0 =