Tòa Thánh kêu gọi tổ chức OSCE bênh vực tự do tôn giáo

A woman attends Mass at the Cappella Feriale of the Duomo di Milano on May 20. | MIGUEL MEDINA—AFP via Getty Images

Tòa Thánh kêu gọi tổ chức an ninh và cộng tác Âu châu, gọi tắt là OSCE, thăng tiến tự do tôn giáo, đứng trước sự gia tăng làn sóng bất bao dung đối với các tín hữu Kitô và tín đồ các tôn giáo khác.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Lập trường trên đây được Đức ông Janusz Urbanczyk, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại tổ chức OSCE, nêu lên trong bài tham luận tại khóa họp của tổ chức này, hôm 25 và 26/5/2020 vừa qua, tại Vienne. Tổ chức OSCE qui tụ 56 quốc gia Âu châu, Hoa Kỳ và Canada.

Đức ông Urbanczyk nói rằng những tội ác chống các tín hữu Kitô và các tôn giáo khác ảnh hưởng tiêu cực đến việc hưởng các quyền con người và các quyền tự do căn bản khác, trong đó có những vụ “đe dọa, tấn công bạo hành, giết người, xúc phạm đến các thánh đường và các nơi thờ phượng, các nghĩa trang và các tài sản khác của tôn giáo.”

Đại diện Tòa Thánh cũng bày tỏ quan tâm lớn vì sự phân biệt giữa tín ngưỡng và việc thực hành tôn giáo, nhất là ý tưởng sai lầm nghĩ rằng các tôn giáo có thể có ảnh hưởng tiêu cực hoặc là một đe dọa cho an sinh của xã hội chúng ta. Ý tưởng sai lầm ấy đang lan tràn nơi nhiều người. Người ta cũng thường bảo rằng việc cầu nguyện và các xác tín tôn giáo chỉ là vấn đề riêng tư của mỗi người và không có chỗ đứng trong lãnh vực công cộng.

Đức ông Urbanczyk tố giác rằng internet và các mạng xã hội thường trở thành nơi để hạ nhục người khác hoặc xách động oán ghét về văn hóa, chủng tộc và các nhóm tôn giáo. Đại dịch Covid-19 càng gia tăng trào lưu xấu xa đó, vì dân chúng thường lướt mạng nhiều hơn trong thời kỳ bị cách ly. Sự kỳ thị trên các mạng xã hội có thể đưa tới bạo lực, là giai đoạn chót của con đường dốc, bắt đầu bằng sự chế giễu và bất bao dung về xã hội.

Tại khóa họp, vị Đại diện Tòa Thánh kêu gọi các nước thành viên tổ chức OSCE hãy thăng tiến phẩm giá nội tại của mỗi người và sự hiệp nhất căn bản của nhân loại. Đó là hai nguyên tắc căn bản của tất cả các xã hội dân chủ. Các nhóm dân thiểu số phải được tự do tuyên xưng và thực hành tôn giáo của họ.

Sau cùng, Đức ông Urbanczyk tố giác rằng: “Các biện pháp phong tỏa và cách ly do đại dịch Covid-19 đã góp phần làm gia tăng sự bất bình đẳng và sự đối xử kỳ thị trong thực tế. Các quyền và tự do căn bản bị giới hạn hoặc bị hủy bỏ trong toàn khối OSCE, kể cả các biện pháp đóng cửa các nhà thờ và giới hạn các buổi lễ tôn giáo”.

(Vatican News 28-5-2020)

Add new comment

1 + 7 =