Đại diện Tòa Thánh tại OSCE báo động về nạn tham nhũng

Photo by Markus Spiske on Unsplash

Đại diện Tòa Thánh tại tổ chức An ninh và Cộng tác Âu châu, gọi tắt là OSCE, báo động về tệ nạn tham nhũng, và kêu gọi các nước thành viên hãy hoạt động trong sự minh bạch, lương thiện để bài trừ nạn tham nhũng.


G. Trần Đức Anh, O.P.

OSCE qui tụ 57 nước Âu châu, Hoa Kỳ và Canada và có trụ sở tại Vienne, thủ đô Áo. Trong bài tham luận, hôm 15/6/2020 vừa qua tại hội nghị Video, để chuẩn bị cho Diễn đàn thứ 28 về kinh tế và môi trường, với chủ đề “Thăng tiến an ninh, ổn định và tăng trưởng kinh tế, phòng ngừa và bài trừ tham nhũng qua sự đổi mới, gia tăng sự minh bạch và kỹ thuật số”, Đức ông Janusz Urbanczyk, trưởng đoàn Tòa Thánh tại tổ chức OSCE nhấn mạnh nhiều khía cạnh trong cuộc chiến bài trừ tham nhũng, kể cả tương quan tín nhiệm giữa chính quyền và các công dân.

Đức ông nhận xét rằng: “Vì đại dịch Covid-19, chúng ta đã thấy những thay đổi tỏ tường về mặt xã hội, kinh tế và môi trường. Những thay đổi đó đòi hỏi phải quan tâm nhiều hơn trên bình diện cá nhân, quốc gia và quốc tế, tới cuộc chiến chống nạn tham nhũng. Tệ nạn này là một đe dọa lớn, vì nó sinh ra sự bất ổn, và lan rộng tới nhiều khía cạnh của chiều kích kinh tế và nhân sự”.

Đức ông Urbanczyk cũng khẳng định rằng: “Điều không thể phủ nhận, đó là nạn tham nhũng là một trong những vết thương nặng nhất xâu xé các tế bào xã hội, gây ra những thiệt hại nặng nề về mặt luân lý đạo đức cũng như kinh tế. Thực vậy, nó mang lại ảo tưởng kiếm lợi dễ dàng và mau lẹ, nhưng trong thực tế, tham nhũng làm hại tất cả mọi người, làm thương tổn sự tín nhiệm nhau, làm lu mờ sự minh bạch, khiến người ta nghi ngờ về sự đáng tin cậy của chính hệ thống pháp lý và sự hội”.

Vị đại diện Tòa Thánh tại tổ chức OSCE nhắc lại lời Đức Thánh cha Phanxicô, trong buổi tiếp kiến, ngày 18/3 năm ngoái (2019), tại Vatican dành cho các quan chức các tòa kiểm toán. Đức Giáo hoàng nói: “Tham nhũng hạ thấp phẩm giá của cá nhân và làm tan rã những lý tưởng tốt đẹp. Xã hội nói chung, được kêu gọi dấn thân cụ thể để chống lại bệnh ung thư tham nhũng dưới các hình thức khác nhau”.

Sau cùng, Đức ông Urbanczyk khẳng định rằng: “Ai hoạt động trong lãnh vực quản trị công cộng, có nhiệm vụ hoạt động trong sự minh bạch và lương thiện, nhờ đó tạo điều kiện cho một tương quan tín nhiệm nhau giữa các công dân và chính quyền. Sự sụp đổ lòng tín nhiệm này là một trong những biểu hiện trầm trọng nhất của cuộc khủng hoảng dân chủ”.

(Vatican News 15-6-2020)

Add new comment

3 + 16 =