Radio Veritas Asia Buick St., Fairview Park, Quezon City, Metro Manila. 1106 Philippines | + 632 9390011-15 | +6329390011-15
Một số phản ứng về vụ hỏa hoạn tại trại tị nạn Moria bên Hy Lạp
Nhiều phản ứng từ phía Công giáo và Tin lành về vụ hỏa hoạn chiều 8/9/2020, tại trại tị nạn Moria, trên đảo Lesbo của Hy Lạp, nơi Đức Thánh cha Phanxicô cùng với Đức Thượng phụ Bartolomaios của Chính thống đã đến viếng thăm hồi tháng Tư năm 2016.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Trại Moria, nơi có 13.000 người di dân và tị nạn sống chen chúc, đã bị một loạt các vụ hỏa hoạn tàn phá và nay chỉ còn lại một đống tro tàn. Từ nhiều phía đã lên tiếng kêu gọi Liên hiệp Âu châu đảm nhận việc tái định cư những người di dân và tị nạn tại đây.
Tuyên bố với Đài Vatican, Đức Hồng y Krajewski, Chánh sở Từ thiện của Đức Thánh cha, đã từng viếng thăm trại Moria, nói rằng: “Người ta đã biết ngay từ đầu là sẽ xảy ra tai nạn như vậy. Những gì xảy ra tại trại ở Lesbo là một tiếng kêu. Từ khi Đức Thánh cha Phanxicô đến viếng thăm đảo này hồi tháng Tư năm 2016, chúng tôi đã kêu gọi giải tỏa trại tị nạn, nơi mà Đức Thánh cha gọi là một “trại tập trung của Âu châu”.
Trong cuộc viếng thăm tại trại Moria hồi tháng Mười Hai năm ngoái, Đức Hồng y Krajewski đã đưa 33 người, trong đó có 14 trẻ vị thành niên, về Italia theo hành lang nhân đạo. Họ được cộng đồng thánh Egidio và sở từ thiện của Đức Thánh cha đón tiếp... Tại nhiều nước Âu châu, nhiều giáo xứ cũng sẵn sàng đón tiếp”.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican hôm 9/9, Đức Hồng y Jean Claude Hollerich, Tổng giám mục Luxemburg, Chủ tịch Ủy ban giám mục Liên hiệp Âu châu, gọi tắt là COMECE, nói: “Tôi nghĩ đây là một điều ô nhục cho Âu châu, không những vì trại Moria bị cháy, nhưng cả căn tính của Âu châu cũng bị cháy. Dân chúng tìm đến Âu châu để được giúp đỡ trong cơn khốn cùng và chúng ta để họ trên một đảo nhỏ ở Hy Lạp. Thiên hạ nói nhiều nhưng không có việc làm đi kèm. Âu châu phải xấu hổ vì hỏa hoạn này là kết quả sự tuyệt vọng trong tâm hồn con người”.
Trại tị nạn Moria được xây để chứa 3.000 người, nhưng thực tế số người tại đây lên tới 13.000. Lửa đã bộc phát mau lẹ chiều ngày 8/9 vừa qua, vì có gió mạnh. Sáng hôm sau, trại chỉ còn là những đống đổ nát, ngún khỏi.
Tại Đức, Hội đồng Giám mục và đặc biệt là Đức Hồng y Rainer Maria Woelki, Tổng giám mục giáo phận Koeln, cũng kêu gọi chính phủ nước này đón nhận những người tị nạn từ đảo Lesbo. Đức Hồng y nói: “Chúng ta phải mang lại cho những người di dân và tị nạn ấy một phương thế khác và đón nhận họ trong các nước Âu châu”.
Cả vị Chủ tịch Hội đồng các Giáo hội Tin lành Đức, Mục sư Heinrich Bedford Strom, cũng nhận định rằng Âu châu không thành công trong việc chọn một con đường chung về chính sách đối với di dân và tị nạn. Nước Đức, trong tư cách hiện là Chủ tịch Hội đồng Âu châu cần tìm ra ngay một giải pháp Âu châu cho việc phân phối, đón nhận những người xin tị nạn, giữa các nước sẵn sàng đón nhận. Nếu Âu châu thường nói đến các giá trị Kitô nền tảng chung, mà lại cô lập những người đang ở trong tình trạng khốn cùng, thì đó là một điều mâu thuẫn hiển nhiên”.
(Tổng hợp 10-9-2020)
Add new comment