Tình hình được cải tiến đối với các Giáo hội tại Emirati

Mons. Paul Hinder, vescovo svizzero attualmente vicario apostolico dell'Arabia meridionale. | catt.ch

Đức cha Paul Hinder, Đại diện Tông tòa tại Nam bán đảo Arabia, cho biết bầu không khí đối với các Giáo hội tại Emirati, Các Tiểu vương quốc Arập, đã được cải tiến.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công giáo Đức KNA, truyền đi hôm 9/2/2021 vừa qua, Đức cha Hinder, người Thụy Sĩ, thuộc dòng Capuchino, cho biết chính phủ Emirati đề cao chính sách bao dung về tôn giáo và sự sống chung hòa bình giữa những người dân, thuộc hơn 200 quốc tịch tại nước này. Chính sách đó đang được đưa vào thực hành.

Đức cha Hinder đặt tòa Giám mục tại Abu Dhabi, và ngài cũng là chủ chăn của các tín hữu Công giáo tại hai nước Oman và Yemen, đồng thời làm giám quản Tông tòa Bắc Arabia, vì miền này chưa có giám mục mới được Tòa Thánh bổ nhiệm.

Đức cha cho biết từ sau khi có tuyên ngôn chung ký kết giữa Đức Thánh cha Phanxicô và Đại Imam al-Tayyeb của Viện al-Azhar, ngày 4/2/2019, có một bầu không khí thuận lợi hơn đối với các Giáo hội Kitô và Tuyên ngôn chung về tình huynh đệ nhân loại trở thành một môn học trong các trường học và đại học ở Abu Dhabi, kể cả trong các trường của Công giáo. Chính phủ gia tăng các cuộc đối thoại liên tôn. Tuy nhiên, trong năm ngoái, các cuộc đối thoại này chỉ diễn ra dưới dạng trực tuyến vì đại dịch.

Đức cha Hinder cũng nói rằng chính phủ Abu Dhabi đã tổ chức một chiến dịch lớn chích vắc-xin chống Coronavirus, ngay tại các nơi của Giáo hội, chứng tỏ có một thái độ hòa dịu đối với Giáo hội. Báo chí địa phương cũng quan tâm hơn đối với công việc của Giáo hội Công giáo. Vì thế, Tòa Giám mục của Đức cha cũng chuẩn bị các tài liệu thông tin cho báo chí và chính Đức cha cũng trả lời phỏng vấn nhiều hơn, ví dụ như nhân dịp Ngày Thế giới về tình huynh đệ nhân loại, hôm 4/2 vừa qua.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức cha Hinder cũng nói đến những khó khăn rất lớn đối với đời sống tôn giáo của Giáo hội nói chung tại Emirati, vì tình trạng đại dịch Covid-19 từ tháng Ba năm ngoái, với những cắt giảm và thay đổi trong đời sống kinh tế và việc tổ chức công việc làm, gây nhiều khó khăn cho nhiều tín hữu Công giáo là công nhân nước ngoài.

(KNA 9-2-2021)

Add new comment

1 + 17 =