Đức Hồng y Sako cổ võ sự tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước tại Irak

Đức Hồng y Louis Raphael Sako | © Kathpress / Henning Klingen

Đức Hồng y Louis Raphael Sako, Thượng phụ Giáo chủ Công giáo Canđê tại Irak, cổ võ sự tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước tại nước này và tiến đến một hiến pháp bảo đảm sự bình quyền, công lý và luật pháp cho tất cả mọi người.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Tuyên bố hôm 16/3/2021 vừa qua, với Đài truyền hình Rudaw ở miền tự trị Kurdistan, mạn bắc Irak, Đức Hồng y Sako nói: “Sẽ không có tương lai nếu chúng ta thiết lập một chế độ gắn liền với các tôn giáo, sĩ số, giai cấp và các hàng rào giữa các công dân. Thật là điều bệnh hoạn và vô sinh, khi phân chia công dân thành nhiều giai cấp. Nếu Irak muốn phát triển, thì cần học từ Tây Phương và các nước khác ở Trung Đông, chế độ trung lập về tôn giáo và tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước”.

Trong số 37 triệu dân Irak hiện nay, phần lớn theo Hồi giáo Shiite và Sunnit, và chỉ có khoảng 1,5% là tín hữu Kitô thuộc các hệ phái.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng y Sako cũng nói về sự giảm sút mạnh mẽ số tín hữu Kitô tại Irak: từ một triệu 500.000 tín hữu vào năm 2003 khi Saddam Hussein bị sụp đổ, giảm xuống còn gần 500.000 Kitô hữu như hiện nay, sống tập trung tại các thành phố Baghdad, Basra, Kirkuk và miền tự trị Kurdistan. Đức Hồng y nói: “Ước mơ của người dân Irak sau năm 2003 là có một quốc gia thịnh vượng, trong đó có an ninh, ổn định, tiến bộ, hiệu năng và tôn trọng. Nhưng thực tế xảy ra ngược lại. Đứng trước những cuộc tấn công và bắt cóc, các tín hữu Kitô không còn tin tưởng nơi tương lai, sự ổn định và sống chung hòa bình tại Irak. Trong khi những tín hữu Kitô sung túc xuất cư sang Tây phương, thì những Kitô hữu ở lại Irak cảm thấy mình không phải là những công dân được bình đẳng và bình quyền.”

Đức Hồng y Sako cũng tuyên bố chống lại các lực lượng dân quân, dù là Kitô hay Hồi giáo, chúng chỉ gây thiệt hại thay vì ích lợi, biến Irak thành những mảnh quốc gia theo các nhóm dân quân khác nhau. Hiện tượng này thực là một thảm họa cần phải được bài trừ, và chấm dứt tình trạng hỗn độn”.

Đức Hồng y Louis Sako ca ngợi miền tự trị Kurdistan, trong đó không có sự phân biệt giữa các nhóm dân khác nhau. Tại đây có sự ổn định và an ninh, theo nghĩa này, Kurdistan có một vai trò tiên phong.

(KAT 16-3-2021)

Add new comment

14 + 3 =