Khai mạc Tuần thánh tại Thánh địa

Cuộc rước lá tại Núi Cây Dầu | Photo: lpj.org

Sáng Chúa nhật 28/3/2021 vừa qua, Đức Thượng phụ Công giáo Latinh Pierbattista Pizzaballa đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Mộ Jerusalem, khai mạc Tuần thánh.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Vì tình trạng đại dịch, chỉ có khoảng 100 tín hữu được dự thánh lễ. Họ đại diện cho các cộng đoàn khác nhau trong giáo phận. Sau lễ, Đền thờ vẫn được mở cửa cho các tín hữu viếng thăm.

Trước đó, có cuộc rước lá với hàng trăm tín hữu tại Núi Cây Dầu cũng ở Jerusalem. Theo truyền thống, Đức Thượng phụ đã dừng lại tại nhà nguyện Dominus Flevit, Chúa khóc, ở phía trên vườn Giệtsimani và đọc lời chúc phúc cho thành Jerusalem. Năm ngoái, vì đại dịch ở cao độ, Đức Thượng phụ đã bãi bỏ cuộc rước và đọc một kinh đặc biệt chống đại dịch và dùng thánh tích gỗ Thánh giá để ban phép lành cho thành thánh và thế giới. Địa điểm đó, theo trình thuật của Tin Mừng theo thánh Luca, khi đến gần thành Jerusalem, Chúa Giêsu đã khóc vì dân chúng không nhận biết ơn thánh của Thiên Chúa và tiên báo sự tàn phá Jerusalem.

Năm nay, có cuộc rước truyền thống với sự tham dự của các tín hữu Kitô địa phương và một số ít khách hành hương. Họ khởi hành từ nhà thờ thánh Anna, ở cổ thành Jerusalem, và cuộc rước chấm dứt tại cổng thành, với một sứ điệp của Đức Thượng phụ. Ngài nói: “Năm nay, dù ít người, nhưng niềm vui và quyết tâm tôn xưng Chúa Kitô là Vua và là Chúa của chúng ta vẫn như mọi khi [....]. “Chúng ta, Giáo hội tại Jerusalem, chúng ta yêu mến thành này, nơi có cội rễ căn tính Kitô của chúng ta. Đối với mỗi người chúng ta, thành này tượng trưng ước muốn hòa giải đại đồng và an bình mà Thiên Chúa muốn cho toàn thể nhân loại. Vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện và làm việc, để ước muốn và lời tiên tri này có thể được hiện thực. Rất tiếc những vết thương và chia rẽ vẫn còn diễn ra trong cuộc sống tại thành Jerusalem này, nhưng chúng không được làm cho chúng ta nản chí. Trái lại càng phải thúc đẩy chúng ta ngày càng quyết tâm làm chứng về đức tin nơi chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết, và trong tư cách là Giáo hội, chúng ta là những người đầu tiên trở thành dấu chỉ hiệp nhất và hòa giải”.

(KNA 28-3-2021)

Add new comment

5 + 9 =