Đức Hồng y Sako trao đổi với các vị lãnh đạo Kitô Trung Đông

Photo: mecc.org

Đức Hồng y Raphael Louis Sako, Thượng phụ Công giáo Canđê, đã nhóm họp trực tuyến với ban lãnh đạo thuộc Hội đồng các Giáo hội Kitô Trung Đông, gọi tắt là MECC, về kết quả và âm hưởng tốt đẹp chuyến tông du của Đức Thánh cha Phanxicô tại Irak, từ ngày 5 đến 8/3/2021 vừa qua.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Trong số các tham dự viên cuộc trao đổi này, có tiến sĩ Michel Abs, thuộc Giáo hội Chính thống,Tổng thư ký tổ chức MECC và vị Phó Tổng thư ký, là linh mục Nicolas Bustros cùng với các vị giám đốc các phân bộ.

Theo trang mạng của Hội đồng các Giáo hội Kitô Trung Đông, mục đích chính của cuộc họp trực tuyến là bàn về vai trò của Hội đồng này trong việc hoàn tất các mục tiêu cuộc viếng thăm lịch sử của Đức Thánh cha và ảnh hưởng của biến cố này đối với sự hiện diện của Kitô giáo tại Trung Đông, cũng như cuộc đối thoại liên tôn, vai trò của Irak và các Giáo hội Kitô tại nước này, trong việc phổ biến một nền văn hóa hòa bình và quyền công dân.

Đức Hồng y Sako cũng là đại diện của Công giáo tại Hội đồng MECC. Trong cuộc trao đổi, ngài kể lại những điểm nổi bật trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh cha, nhất là hoạt động này đã phá vỡ hàng rào sợ hãi trong cộng đoàn Kitô và mang lại lòng can đảm cho họ. Đức Hồng y Sako nói: “Mọi người dân Irak đã gặp gỡ Đức Thánh cha. Ngài nhiều lần rơi lệ trong cuộc viếng thăm, nhất là tại địa điểm Hosk Al-Baya, ở thành Mossul, nơi lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS đã đặt bom phá hủy bốn thánh đường của các Giáo hội Chính thống Siriac, Canđê, Công giáo Siriac và Chính thống Armeni.”

Trong cuộc họp, các tham dự viên đã thảo luận về cách thức tăng cường sự cộng tác đại kết, vai trò của giới trẻ, đồng thời hỗ trợ các sáng kiến đối thoại liên tôn trong một xã hội đã bị xâu xé vì sự bất bao dung tôn giáo, cực đoan và bạo lực.

Về phần tiến sĩ Abs, ông cho biết sau cuộc viếng thăm của Đức Giáo hoàng, tổ chức MECC muốn dấn thân trong các dự án mới để hỗ trợ nhân dân Irak và các cộng đồng Kitô tại nước này nhằm củng cố sự hiện diện của họ tại miền Mesopotamia, là ngã tư gặp gỡ giữa các tôn giáo và các nền văn minh.

Tổ chức MECC được thành lập năm 1974, tại Nicosia đảo Cirpo, và hiện có trụ sở tại Beirut, Liban. Hội đồng này qui tụ các Giáo hội Kitô: Công giáo, Chính thống, Tin lành.

(Vatican News 14-4-2021)

Add new comment

5 + 1 =