Đức Thánh cha gặp các vị lãnh đạo Kitô Liban: một dấu chỉ hy vọng

Hơn một nửa dân số Lebanon sống trong cảnh nghèo đói. | CNS photo/Mohamed Azakir, Reuters

Đức Tổng giám mục Joseph Spiteri, Sứ thần Tòa Thánh tại Liban, tuyên bố rằng cuộc gặp gỡ và cầu nguyện của Đức Thánh cha với các vị lãnh đạo Kitô Liban vào ngày 1/7 tới đây, tại Vatican ít nhất cũng mang lại một dấu chỉ hy vọng cho quốc gia bị vây bủa và tình trạng đang trở nên bi thảm hơn.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Thứ Năm, ngày 1/7/2021 sắp tới, theo lời mời của Đức Thánh cha, các vị lãnh đạo Công giáo, Chính thống và Tin lành tại Liban sẽ cùng với ngài gặp gỡ tại Vatican, suy tư về tình hình đất nước và cầu nguyện xin ơn hòa bình và ổn định cho quốc gia.

Đức Thánh cha thường bày tỏ quan tâm của ngài về Liban, đặc biệt từ sau vụ nổ dữ dội tại cảng Beirut, ngày 4 tháng Tám năm ngoái làm cho hơn 200 người chết, 600 người bị thương và thiệt hại vật chất lên tới 4.000 tỷ Mỹ kim.

Tuyên bố với hãng tin Công giáo Hoa Kỳ hồi trung tuần tháng Sáu này, Đức Tổng giám mục Spiteri nói rằng Đức Thánh cha Phanxicô rất nhạy cảm đối với Liban, gồm nhiều cộng đoàn văn hóa và tôn giáo khác nhau. Khoảng 35% dân Liban là Kitô hữu. Tại đây, thực sự có tự do tôn giáo và ngôn luận. Hiện nay Liban đang bị khủng hoảng trầm trọng về mặt xã hội, kinh tế, tài chánh và chính trị. Đồng tiền mất giá 90% trong vòng 20 tháng. Ngân hàng thế giới mô tả cuộc khủng hoảng kinh tế tại Liban là một trong những khủng hoảng nặng nhất trên thế giới từ năm 1850 đến nay. Hơn một nửa dân Liban lâm vào tình trạng nghèo đói và từ 10 tháng nay, Liban không có chính phủ. Các giới lãnh đạo chính trị không thỏa thuận được với nhau về một chính phủ mới, vốn là điều rất cần thiết để thi hành những cải tổ cần phải có để có thể nhận viện trợ từ nước ngoài. Dự trữ của Ngân hàng trung ương Liban lâm vào tình trạng khẩn trương, và tình trạng thiếu nhiên liệu, thiếu điện và thuốc men rất trầm trọng.

Theo Đức Tổng giám mục Sứ thần Tòa Thánh, giới trung lưu ở Liban trước kia rất mạnh và thịnh vượng, nay không còn nữa. Với cuộc khủng hoảng hiện nay, các tổ chức trước kia rất tốt ở Liban có nguy cơ sụp đổ và hiểm họa một cuộc khủng hoảng nhân đạo nặng nề đang đe dọa. Một trong những hậu quả bất hạnh là tình trạng xuất cư rất mạnh, hầu hết vì lý do kinh tế, và thiếu công ăn việc làm ở Liban.

Đức Tổng giám mục Spiteri cũng cho biết cuộc gặp gỡ “thượng đỉnh” của Đức Thánh cha với các vị lãnh đạo Kitô Liban, có hình thức tương tự như cuộc gặp gỡ hồi tháng Hai năm ngoái (2020), giữa Đức Thánh cha với các vị lãnh đạo Kitô tại Trung Đông, cử hành tại thành phố Bari, nam Italia: nghĩa là trước tiên, có buổi cầu nguyện tại mộ thánh Phêrô, rồi có hai phiên họp ban sáng, tiếp đến là bữa ăn trưa, và ban chiều có một phiên họp. Mọi người sẽ cầu nguyện chung lúc 6 giờ chiều, tại Đền thờ thánh Phêrô, với sự tham dự của công chúng và sẽ được trực tuyến.

Đại sứ Liban cạnh Tòa Thánh, ông El-Khazen nói rằng cuộc gặp gỡ ngày 1/7 tới đây là tột đỉnh mối quan tâm của Đức Thánh cha về Liban, và không có “chương trình chính trị”.

(Angelusnews 23-6-2021)

Add new comment

5 + 1 =