Tổ chức Misereor cảnh giác về tình hình gay go hơn tại Etiopia

Soldaten der Tigray Defence Force in Mekele | AFP or licensors

Tổ chức bác ái Misereor của Hội đồng Giám mục Đức báo động về tình trạng tiếp tục đồi tệ hơn tại miền Tigray, bên Etiopia và hiện nay chưa có cơ may nào chấm dứt cuộc chiến giữa quân đội chính phủ và dân quân “Mặt trận giải phóng nhân dân Tigray”.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Cuộc nội chiến này bắt đầu từ đầu tháng Mười Một năm ngoái, khi quân đội chính quy Etiopia tấn công vào bang Tigray ở miền bắc. Đây là là vùng chiến lược giáp giới với nước Eritrea. 95% dân chúng tại đây theo Chính thống giáo, một số nhỏ theo Hồi giáo và Công giáo.

Trước đó, Thủ tướng Liên bang Etiopia, ông Abiy Ahmed, đã bổ nhiệm một thống đốc mới cho bang Tigray, và loại ra ngoài “Mặt trận nhân dân giải phóng miền Tigray” (Tplf), vốn cầm quyền từ gần 30 năm nay ở bang này. Hồi tháng Chín năm ngoái, Mặt trận giải phóng Tigray đã tổ chức bầu cử nghị viện tiểu bang, bất chấp lệnh của chính quyền trung ương yêu cầu hoãn lại bầu cử vì đại dịch Covid-19. Tình trạng khẩn trương hơn nữa sau khi Mặt trận này chiếm một căn cứ quân sự ở Tigray. Vì thế, quân đội chính phủ đã đánh vào miền này. Chiến tranh kéo dài từ 10 tháng nay.

Theo các tin tức nhận được, cho đến nay đã có ít nhất 63.000 người dân từ miền Tigray phải chạy sang nước Sudan láng giềng để tị nạn. Ngoài ra, có 350.000 người đang chịu nạn đói tại nội địa. Và theo Liên Hiệp Quốc, hơn 5 triệu người ở miền Tigray đang cần được cứu trợ nhân đạo.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công giáo Đức KNA, hôm 16/8/2021 vừa qua, ông Martin Broekelman-Simon, Giám đốc điều hành tổ chức Misereor, tỏ ra không lạc quan về viễn tượng giải quyết nội chiến hiện nay ở Etiopia. Dầu vậy, ông hy vọng những sáng kiến hòa giải, kể cả những sáng kiến do Giáo hội đề ra, sẽ mang lại hiệu quả vào một thời điểm nào đó.

Ông Broekelman cho biết thêm rằng có nhiều vấn đề ở Phi châu là những gia sản có từ thời thuộc địa. Nhiều cuộc xung đột hiện nay ở đại lục này, từ Etiopia đến Mozambique và Angola, hoặc Nam Phi, đều có dấu vết từ thời thuộc địa trước đây. Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề do chính Phi châu gây ra. Tại nhiều nước Phi châu có sự quản trị tồi tệ của các chính phủ, không kể sự kiện Phi châu đang phải chiến đấu mạnh mẽ với sự thay đổi khí hậu, những hậu quả nặng nề về kinh tế do đại dịch Covid-19. Ngoài ra, Phi châu cũng trở thành nơi tranh chấp giữa các cường quốc muốn bảo vệ những lợi lộc chiến lược của họ.

(KNA 16-8-2021)

Add new comment

2 + 8 =