Phút Cầu Nguyện, Thứ Bảy 14/09/2019

TRÁI TIM BÊN LỀ

Kính thưa quý vị, các bạn thân mến!

Năm 1597 lệnh bắt đạo trên đất Nhật thật gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở công giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố tàn tạ.

Tại vùng Odawara, Kamakura, người ta bắt được hai Linh mục trẻ tuổi là Simauchi và Uzawa cùng nhiều ảnh tượng giải về Tokyo. Quan đại thần Tsukamoto nhặt trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh thật kỳ cục: người gì mà để trái tim ra ngoài!

Tsukamoto là một nhà nho uyên bác có óc thực tế, thích tìm hiểu. Ông cầm mẫu ảnh trái tim coi qua rồi vứt vào sọt rác, nhưng đến tối, ông nhớ lại và nghĩ bức ảnh kỳ lạ kia hẳn có một ý nghĩa nào đó. Ông lượm lại bức ảnh để trên bàn và suy nghĩ. Trời đã về khuya mà quan vẫn còn ngồi bất động một mình với bức ảnh trước mặt. Mãi đến gần một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ:” đối ngoại hữu kỳ tâm – đối nội vô tâm giả”.

Từ đó Tsukamoto đặt bức ảnh trái tim trên bàn làm việc một cách kín cẩn. Một hôm có ông bạn Osaki đến chơi, thấy vậy hỏi:

- Thế nào, bạn lại thích ảnh tượng của bọn tả đạo rồi sao?

- Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rất thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo. Để ông bạn coi: đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì “Hữu Tâm”, còn với bản thân mình thì “Vô Tâm”. Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài... Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội. Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, không quan tâm đến tư lợi, thì quả là ngay chính của Thiên hạ vậy.

Osaki cảm phục sự diễn đạt của bạn. Không ngờ Đạo Công giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu như vậy. Từ đó hai ông trở nên những người bạn chí thân và đã âm thầm nhận phép rửa tội, đồng thời vận động triều đình thả hai linh mục...

Quý vị và các bạn thân mến!

Trong Lời Chủ Chăn tháng 6 năm 2008, Đức Hồng Y TGM Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn có nói: “Xã hội loài người ngày nay phát triển và tiến bộ vượt bậc. Đó là nhờ mở mang kiến thức khoa học và phát huy tính thực dụng của nó. Đồng thời xã hội loài người cũng đang trải qua nhiều khủng hoảng, khủng hoảng môi sinh, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng kinh tế, chính trị, khủng hoảng lòng tin... Phải chăng một trong những nguyên nhân sâu xa là do sự phát triển con người thiếu cân bằng? Đầu óc khoa học và hai bàn tay thực dụng thì phát triển vượt bậc. Còn cái tâm và đạo làm người trong trời đất, trong thiên hạ, thì xem ra ngày càng nhường chỗ cho tư lợi và bất công, gian dối và bạo lực trong cuộc sống.”

Theo các sách sinh học trước khi con người bước vào cái chết thực sự thì “cái chết bộ phận” đã diễn ra thường xuyên trong mỗi sinh vật, trừ quả tim. Khi trái tim ngừng đập thì mọi hoạt động của cơ thể đều chấm dứt. Cũng vậy, một quả tim không còn biết yêu thương chẳng khác nào “ cái vạ chết lòng”, vì đó là tâm trạng của một người sống mà không còn cảm nhận ý nghĩa và giá trị thiêng liêng của cuộc sống, của tinh thần phục vụ và yêu thương vô vị lợi.

Quả vậy, cuộc sống chỉ thực sự có giá trị và ý nghĩa khi ta biết cho đi, đem hết trái tim ra giúp đời giúp người. Đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì “Hữu Tâm”, còn với bản thân mình thì “Vô Tâm”. Một đời sống biết “đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời; còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ. Một đời sống như thế mới làm nên giá trị sống thực sự của chúng ta. Vì thế việc “mở ra hướng đi cho công cuộc giáo dục "cái tâm" con người ngày nay” là điều quan trọng. 

Thánh Gioan tông đồ đã cảm nghiệm sâu xa rằng: Thiên Chúa Là Tình Yêu, Chúa cũng đã nói : Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người chết cho người mình yêu. Và Ngài cũng đã chứng minh điều ấy bằng cái chết của mình trên Thập Giá để cứu chuộc nhân loại. Vì thế, Trái Tim Chúa Giêsu luôn là hình mẫu tuyệt vời nhất về lòng yêu thương mà chúng ta phải dẫn dắt và uốn nắn lòng trở nên giống như Trái Tim Ngài.

Mỗi người được phúc Chúa yêu thương là để biết yêu thương người khác, biết làm chứng cho tình yêu cứu độ của Chúa đối với mọi người, biết chia sẻ cho nhau mọi hồng ân Chúa ban cho mỗi người. Hồng ân lớn nhất, quý nhất, là sống yêu thương như chính Chúa yêu thương, một lối sống mới mang lại sự sống dồi dào trong bình an và hạnh phúc cho nhà nhà.

Lạy Trái Tim Chúa Giêsu đang ngự thật trong Bí Tích Thánh Thể. Con tôn thờ, ngợi khen, yêu mến Chúa. Xin uốn lòng chúng con giống như Trái Tim Chúa để chúng con luôn nêu gương và giúp nhau sống yêu thương như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng con vậy. Amen

Bình Minh     

Add new comment

4 + 10 =