Phút Cầu Nguyện, Thứ Bảy 15/06/2019

LÀM VIỆC NHỎ VỚI MỘT TÌNH YÊU LỚN

Kính thưa quý vị, các bạn thân mến!

Trên internet có bài viết: “Giá trị những dấu chấm câu” như sau:

Khi thực hiện một bài viết, điều khiến người ta quan tâm đó là làm sao cung cấp cho nội dung thật nhiều ý tưởng, sử dụng những cụm từ ngữ sao cho mang giá trị nội hàm cao, ít ai để ý đến vai trò và tác dụng của những dấu chấm câu. Thế nhưng, một bài viết sẽ trở nên nếu thiếu những dấu chấm câu?

Vâng, nếu thiếu những dấu phẩy thì sao nhỉ? Vậy là người viết không thể sử dụng những câu viết phức tạp, bóng bẩy mà chỉ nên gói gọn ý tưởng trong những câu đơn giản. Nhưng những câu quá đơn giản về hình thức thì cũng chỉ chứa đựng được những ý tưởng đơn giản.

Thế thì thiếu một dấu thường cũng ít khi sử dụng đó là dấu chấm than, thì liệu có ảnh hưởng gì đến sự thành công của bài viết không? Không có dấu chấm than, bài viết sẽ được đọc với một ngữ điệu rất đều đều, không cảm thán, không xuýt xoa, không thể hiện sự giận dữ hay cả nỗi sung sướng, mừng rỡ. Bài viết trở nên như một mớ chữ nghĩa vô cảm.

Vậy thì điều gì sẽ xảy ra trong bài viết không có sự hiện diện của dấu chấm hỏi? Thiếu vắng dấu chấm hỏi thì người viết không thể đặt vấn nạn cho những vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Mọi sự kiện trên trái đất, những bí mật của thiên nhiên và vũ trụ không được đặt ra. Bài viết không phản ảnh được thái độ quan tâm của mình đối với các sự vật và hiện tượng trong đời sống.

Nhưng nếu thiếu sự xuất hiện khiêm tốn của dấu hai chấm thì có gây khó khăn trong việc diễn đạt những ý tưởng của bài văn không? Rõ ràng, dù sự hiện diện của dấu hai chấm là rất hạn hữu trong một mạch văn, nhưng không có nó người viết không liệt kê, không giải thích được hành vi, ý tưởng của mình . Gây nhiều cản trở trong việc trích dẫn lời của người khác để minh họa cho nhận địbg của mình. Bài viết sẽ trở nên nghèo nàn về tư duy.

Cứ lần lượt điểm qua vai trò của các dấu chấm, cho đến dấu cuối cùng là dấu chấm hết. Một tác phẩm nghệ thuật dù hay đến đâu cũng phải có hồi kết thúc, vì thế không có dấu chấm hết, bài viết không còn ý nghĩa hay giá trị gì cả. Một dấu chấm hết tuy nhỏ bé, đơn sơ, nhưng sự hiện diện của nó như sự đúc kết những điều bài viết đã nêu. Nó là hiện thân của một sự kết thúc rất cần thiết và tạo ý nghĩa cho bài viết.

Quý vị và các bạn thân mến!

Không có những dấu chấm, bài viết chẳng thể nào trở thành một bài viết đúng nghĩa của nó, cho dù nó có được trang bị những câu từ mang ý tưởng minh triết đến bao nhiêu đi nữa.

Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận có viết: “Thiên hạ mua vé lên đỉnh nhà chọc trời Manhattan, khen ngợi kiến trúc tân kỳ, nhưng mấy ai nhớ đến từng thanh sắt, từng viên sạn, từng hạt cát nhỏ làm nền móng vững chắc cho ngôi nhà ấy”. (Câu 819-Đường Hy Vọng). Thường chúng ta chỉ quan tâm đến những lời nói, những đóng góp của những người nổi tiếng, có danh phận hay việc làm của họ mang lại lợi ích cao cho cộng đồng hay xã hội chúng ta đang sống mà bỏ qua hoặc có ý xem thường những người lao động tay chân, làm các công tác dịch vụ, thu dọn vệ sinh. Người ta chen lấn nhau hoặc bỏ một số tiền lớn để đi nghe ca sĩ hát, ngắm các người mẫu hoặc các hoa hậu thướt tha trong những bộ váy áo rực rỡ, rồi cảm thấy xúc động khi lắng nghe những lời nói như được lập trình về những ước mơ tốt đẹp, về lòng nhân hậu, những lời phát biểu đầy từ tâm thốt ra từ những đôi môi xinh xắn ấy, chứ mấy ai cảm thấy chạnh lòng khi nghe tiếng chổi quét rác sàn sạt bên vệ đường giữa đêm hè hay những đêm khuya lạnh lùng mưa gió? Người ta có cái nhìn ngưỡng mộ với những bản vẽ từ tay của các kiến trúc sư chứ mấy ai có những cái nhìn trân quý với những dáng vẻ lầm lũi, âm thầm của những người thợ xây, thợ hồ?

Nhưng rõ ràng, cuộc sống của mỗi người trong chúng ta được hoàn thiện là nhờ sự đóng góp của mọi người, không trừ ai. Những người làm nên những công trình kỳ vĩ cho đến những người thực hiện những công việc đơn sơ, sự hiện diện của tất cả mọi người đều rất cần thiết để xây dựng một xã hội an bình và hạnh phúc. Một ngày không nghe tiếng hát của các ca sĩ chắc hẳn chúng ta sẽ buồn, nhưng chúng ta sẽ cảm thấy rất khó sống nếu một ngày thành phố vắng bóng những công nhân vệ sinh.

Lạy Chúa, “việc nhỏ: nhưng do mồ hôi nước mắt mà quý; việc thường nhưng do tình yêu tha thiết mà trọng” (Câu 821 Đường Hy Vọng), xin cho chúng con nhận ra những lỗi lầm trong những lần chúng con có cái nhìn thiếu bác ái và tôn trọng với những người thua kém mình. Đồng thời xin Chúa ban ơn giúp sức để những công việc tầm thường chúng con thực hiện trong ngày sống cũng trở thành một chuỗi lời nguyện tin yêu dâng lên Ngài. Amen.

Bình Minh     

Add new comment

2 + 13 =