Phút Cầu Nguyện, Thứ Bảy 19/10/2019

LÀM CHỨNG CHO TIN MỪNG TỪ NHỮNG VIỆC NHỎ BÉ

Lập gia đình từ năm 1995 với một cô gái xuất thân từ một gia đình làm nghề chế biến đậu phụ, anh có cơ hội để nối tiếp và gìn giữ nghề làm đậu phụ do người cha truyền lại. Sẽ không có gì đáng nói nếu như suốt 34 năm hành nghề, vợ chồng anh luôn tuân thủ một nguyên tắc là không dùng thạch cao, hóa chất khi chế biến đậu phụ. Đây quả là một điều không hề đơn giản bởi nó đòi hỏi một sự hy sinh rất liên lỉ và lớn lao trong đời sống của gia đình anh chị.

Là người có kinh nghiệm làm đậu lâu năm anh cho biết, để làm đậu phụ chỉ cần ít giấm nuôi hoặc chính nước chua của lần làm đậu phụ trước. Tuy nhiên với cách làm này thì 1 kg đậu nành thường chỉ được khoảng 800g đậu phụ, như vậy, người bán sẽ không thể thu được lợi nhuận cao.

Đằng khác, đậu phụ rất dễ bị nhiễm khuẩn và khi bảo quản ở nhiệt độ bình thường thì nên dùng trong ngày. Anh ví von vui rằng: “Đậu phụ cũng giống như hoa vậy, cũng sớm nở tối tàn, vòng đời rất ngắn”.  Do vậy, làm đậu phụ không thạch cao, không chất bảo quản sẽ không thể tiếp tục bán qua ngày hôm sau nếu lượng đậu phụ sản xuất không tiêu thụ hết trong ngày. Đây cũng là thiệt thòi mà không một người làm kinh doanh nào muốn đối diện. Đó là chưa nói về hình thức, đậu phụ không thạch cao, không dùng chất tẩy trắng nhìn không bắt mắt, không trắng trẻo, lại thiếu độ cứng chắc. Nói chung là không đáp ứng được thị hiếu chung của người tiêu dùng.

Do vậy, có nhiều hôm vợ của anh chỉ mang ra chợ 7 cây đậu phụ nhưng bán mãi không trôi. Anh nhắc đến điều này bằng một giọng nói đầy xúc động bởi sự yêu thương, đồng cảm với sự khó nhọc của người vợ. Mệt mõi, chán nản là điều không thể tránh khỏi, thế nhưng vợ chồng anh vẫn không chạy theo lợi nhuận để bán rẻ lương tâm. Mặc dù thừa biết rằng thạch cao vào cơ thể sẽ gây mầm bệnh, thế nhưng như lời tiết lộ của một chủ lò đậu phụ rằng: “Bán ế quá! Mà không có thạch cao thì làm sao ra đậu phụ?” và như thế người tiêu dụng sẽ nuốt thạch cao vào bụng.

Khi được hỏi điều gì đã khiến anh giữ vững tinh thần, giữ vững lương tâm nghề nghiệp cho dù đó là điều rất khó khăn giữa một xã hội mà tình trạng an toàn thực phẩm đang là vấn nạn nóng bỏng? Anh đơn sơ trả lời: “Vì tôi là người Công giáo, và hơn thế nữa tôi còn là một cựu chủng sinh Công Giáo”. Công đồng Vaticanô II nói: “Giáo dân phải hợp tác vào công cuộc truyền giáo của Hội Thánh; là những chứng nhân và đồng thời là những công cụ sống động, họ chia sẻ sứ mạng cứu rỗi của Hội Thánh” (Ad Gentes, 41). Nghề chế biến đậu phụ là khá nhọc nhằn, lam lũ. Cực mà lại kiếm ít tiền trong khi chỉ cần bất chấp sự an toàn cho sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng thì anh sẽ được giàu có nhanh chóng. Điều này càng cho thấy việc giữ được sự lương thiện trong nghề của anh quả là một hy sinh bền bỉ và đầy can đảm.

Giữa những bánh “đậu phụ thạch cao” đang chiếm lĩnh thị trường, những bánh đậu phụ của vợ chồng anh và những người cùng ý hướng như vợ chồng anh làm ra được gọi là “đậu phụ sạch”. Đậu phụ là món ăn thanh mát, giản dị và bình dân. Thế nhưng để có những bánh “đậu phụ sạch” thì điều đó không hề giản dị, vì nó đòi hỏi người chế biến cần phải có “tâm hồn sạch”, những tâm hồn biết lấy câu Lời Chúa: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì? ” làm kim chỉ nam để hướng dẫn lương tâm trước những hấp lực, lôi cuốn của vật chất, tiền tài.

Lạy Chúa, “thế giới không đổi mới, vì người ta quan niệm sự thánh thiện ngoài bổn phận”(Ðức TGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đường Hy Vọng, 23) , vì thế bằng đời sống chứng tá một cách đơn sơ và chân thành, xin cho chúng con biết rao giảng Tin Mừng cách thiết thực và sống động bằng chính lối sống biết làm theo lương tâm ngay thẳng của mình . Amen

Bình Minh     

Add new comment

7 + 0 =