Phút Cầu Nguyện, Thứ Ba 10/09/2019

TIN VUI LÀ KHÔNG CÓ TIN XẤU CHO NGƯỜI KHÁC

Kính thưa quý vị, các bạn thân mến!

Có câu chuyện về “Tin Vui” như sau:

Robert De Vincenzo là một vận động viên đánh gôn xuất sắc người Argentina. Lần nọ, anh đăng quang trong một giải đấu. Khi nhận chi phiếu tiền thưởng xong và chụp hình lưu niệm với báo chí, anh trở lại tòa nhà câu lạc bộ để chuẩn bị ra về.

Lát sau, khi anh đang một mình đi ra bãi đậu xe thì một phụ nữ trẻ tiến đến gần anh. Cô ta chúc mừng chiến thắng của anh, rồi kể cho anh nghe về đứa con đang bệnh nặng và khó qua khỏi của mình. Hiện thời, cô không biết phải làm sao để thanh toán tiền khám chữa bệnh và viện phí cho đứa bé.

De Vincenzo xúc động trước câu chuyện của người phụ nữ, liền lấy bút ký vào tấm chi phiếu tiền thưởng của mình và đưa cho người phụ nữ. "Xin cô nhận để lo cho cháu bé”, anh vừa nói vừa dúi tấm chi phiếu vào tay cô.

Tuần sau, trong bữa ăn trưa ở câu lạc bộ, một viên chức của Hiệp hội đánh gôn chuyên nghiệp đến bàn của anh và nói:
- Mấy đứa trẻ ở bãi đậu xe vào tuần trước nói với tôi rằng anh có gặp một phụ nữ ở đấy sau giải?

De Vincenzo gật đầu. Ông ta nói tiếp:
- À, tôi có tin này cho anh hay. Cô ta là một tay lừa đảo. Cô ta chẳng có đứa con nào bị bệnh cả. Ả còn chưa lập gia đình nữa là. Cậu đã bị gạt rồi, anh bạn ạ.

Nghe thế, Vincenzo hỏi lại:
- Ý của ông là chẳng hề có đứa bé nào sắp chết cả phải không?
- Đúng vậy, ông ta đáp.
De Vincenzo ôn tồn nói:  Đó là tin vui nhất trong tuần này mà tôi nghe được đấy!

Kính thưa quý vị, các bạn thân mến!

“Chân Phước Phao-lô VI Giáo Hoàng thường nói: Tất cả những người nghèo ấy thuộc về Giáo Hội do “quyền của Tin Mừng” và đòi hỏi phải dành ưu tiên cho họ. Vì thế, phúc cho những bàn tay mở ra để đón nhận những người nghèo và cứu giúp họ: Đó là những bàn tay mang lại hy vọng. Phúc cho những bàn tay vượt lên trên mọi hàng rào văn hóa, tôn giáo, quốc tịch đổ dầu an ủi cho những vết thương của nhân loại. Phúc cho những bàn tay mở ra và không đòi được những điều gì bù lại, không đặt điều kiện và do dự (no “ifs” or “buts” or “maybes”): Đó là những bàn tay làm cho phúc lành của Thiên Chúa đổ trên anh chị em”. Như vậy, với những hoạt động từ thiện bác ái, chúng ta thực sự đã góp phần chia sẻ một cách ý thức những khổ đau và hy vọng của tha nhân. Và trong thực tế cũng đã có nhiều hiệp hội, nhiều cộng đoàn tham gia các hoạt động từ thiện bác ái, nhờ đó mang lại nhiều sự trợ giúp từ tinh thần và vật chất cho những người nghèo, người cô đơn và bệnh tật, những kẻ bị bỏ rơi ... Chúng ta luôn trân trọng và biết ơn những con người có những tấm lòng vàng như thế.

Một tâm lý rất bình thường của những người tham gia các hoạt động từ thiện đó là họ cảm thấy vui, thấy hạnh phúc khi được cho đi, được chia sẻ, và đặc biệt là khi việc làm của họ mang lại một hiệu quả cụ thể đó là sự hy sinh của họ được chia sẻ đến đúng đối tượng. Nhưng câu chuyện “Tin Vui” nói về Robert De Vincenzo là một vận động viên đánh gôn xuất sắc người Argentina, cũng cho chúng ta một cái nhìn khác về một tinh thần mà chúng ta cũng cần phải có khi làm việc bác ái đó là, không điều gì làm chúng ta sung sướng hơn việc nhìn thấy người anh em của mình sống bình an, hạnh phúc ngay cả khi đó không phải là kết quả của những việc làm bác ái của chúng ta. Rõ ràng đã có một sự so sánh tuyệt vời trong cách nhìn và sự lựa chọn của Robert De Vincenzo: Anh ta thà chấp nhận chuyện mình “đã bị gạt rồi” để rất vui khi biết rằng “chẳng có đứa bé nào sắp chết cả”. Nếu anh ta “không bị gạt” mà “có một đứa bé sắp chết” thật thì việc anh giúp tiền cho người phụ nữ quả là một việc làm rất có giá trị và ý nghĩa, bản thân anh lập được công đức, nhưng với anh ta đó không phải là một Tin Vui. Anh ta cho rằng việc mình “không bị gạt” không thể quan trọng hơn việc “có một đứa bé sắp chết”. Với anh ta, Tin vui nhất đó là không có “Tin Dữ” cho đứa bé nào chứ không phải là anh đã làm được việc bác ái! Vì điều Robert De Vincenzo thực sự quan tâm là không có sự khốn khổ xảy ra với tha nhân chứ không phải là sự giúp đỡ của mình đối với họ có hiệu quả hay không?

Lạy Chúa từ nhân, xin cho chúng con có “những bàn tay mở ra và không đòi được những điều gì bù lại, không đặt điều kiện và do dự” để chúng con chỉ biết đặt niềm vui và hạnh phúc của tha nhân là mục đích cao nhất cho các công việc đạo đức từ thiện mà chúng con thực hành. Nhờ đó chúng con “có thể trao tặng cho tha nhân sự an ủi đích thực. Nó không phải là những lời động viên sáo rỗng, nhưng là sự hiện hữu của Chúa Giê-su trao ban sức mạnh”. Amen.

Bình Minh     

Add new comment

1 + 0 =