Phút Cầu Nguyện, Thứ Ba 30/04/2019

THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG

Quý vị và các bạn thân mến,

Bên dưới một ngôi nhà thờ cổ tại Giêrusalem, người ta đã tìm thấy một trong những chứng cớ vững mạnh nhất về những gì đã được viết trong các Sách Tin mừng.

Những kẻ thù đầu tiên của Kitô giáo đã cố gắng che đậy bằng chứng ấy, nhưng không ngờ chính hành động đó lại giúp bảo tồn bằng chứng ấy cho các thế hệ tương lai.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 135 sau Công nguyên. Hoàng đế Adriano của đế quốc La Mã đã dẹp được một cuộc nổi loạn lần thứ hai của người Do Thái. Ông đã đặt được ách nô lệ lên cổ người Do Thái và hoàn toàn làm chủ tình hình. Sau khi đã phá hủy các hội đường của người Do Thái, ông thấy đã tới lúc phải tính chuyện với các tín hữu Kitô.

Còn cách nào tốt hơn để tiêu diệt tôn giáo này cho bằng ra lệnh dày xéo các linh địa của nó. Vào thời ấy, nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh và sống lại đều được các tín hữu Kitô biết rất rõ và rất sùng kính. Do đó, hoàng đế Adriano ra lệnh san bằng nơi ấy bằng cách cho đổ lên đó một lớp ximăng dày đặc và cho xây trên đó một đền thờ kính thần Zeus.

Gần hai thế kỷ sau đó, bàn cờ chính trị đã hoàn toàn đảo lộn: hoàng đế Constantino trở lại Kitô giáo và quyết định xây một ngôi thánh đường nguy nga tại Giêrusalem để tưởng niệm cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Ông ra lệnh phải xây ngôi thánh đường ngay tại chính nơi mà hoàng đế Adriano đã cho dựng lên đền thờ kính thần Zeus.

Việc đầu tiên mà những người thợ xây làm là đập phá ngôi đền thờ ngoại đạo. Sau khi phá hủy đền thờ ngoại đạo, người ta bắt đầu đào móng. Và chính qua công tác này mà những người thợ xây đã khám phá ra nơi đã từng được coi là Golgotha, nghĩa là Núi Sọ. Chính tại đây mà Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh và treo lên thập giá. Gần đó, người ta cũng tìm ra được di tích của ngôi mộ nơi Ngài được chôn cất. Ngày nay, Nhà Thờ “Ngôi Mộ Thánh” tại Giêrusalem vẫn còn mang những dấu tích của nơi Chúa Giêsu chịu đóng đinh và sống lại.

Các tín hữu Kitô tiên khởi biết rõ rằng niềm tin của họ cắm rễ sâu trong những biến cố lịch sử, chứ không dựa trên những truyền thuyết hay những câu chuyện bịa đặt. Họ đã xây cất các nhà thờ trên khắp Thánh Địa là để ghi nhớ những biến cố lịch sử và những nơi đã từng được in dấu ấn của Chúa Giêsu. Nhà thờ “Ngôi Mộ Thánh” không phải là trường hợp duy nhất. Các Sách Tin mừng nói rằng Chúa Giêsu đã bị đem ra xét xử trước mặt thượng tế Caipha và sau đó được chuyển đến tổng trấn Giuđêa là Phongxiô Philatô.

Cách đây không lâu, ngôi mộ của gia đình thượng tế Caipha đã được tìm thấy tại Giêrusalem. Bên trong ngôi mộ, người ta vẫn còn thấy hài cốt của vị thượng tế này. Về phần tổng trấn Philatô, một bia đá vào thế kỷ thứ nhất được tìm thấy tại Cesarêa, xác nhận rằng ông đã thực sự làm tổng trấn Giuđêa từ năm 26 đến 36.

Thêm vào đó, sử gia La Mã vào thế kỷ thứ hai là ông Tacitus cũng xác nhận rằng Kitô giáo đã được thành lập bởi một người tên là Kitô, người mà ông khẳng định là đã “bị Philatô ra lệnh xử tử như một tội nhân”.

Tất cả những sự kiện trên đây chứng minh rằng niềm tin của các tín hữu Kitô được xây dựng trên những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử loài người. Thiên Chúa đã thực sự làm người và sống giữa loài người để cứu rỗi họ.

Quý vị và các bạn thân mến,

Thiên Chúa nhập thể làm người: đó là mầu nhiệm trọng tâm của Kitô giáo. Thiên Chúa đã thực sự đi vào lịch sử nhân loại. Ngài đã ở với nhân loại. Ngài đã trở nên một người giữa nhân loại. Nói như thánh Phaolô, Ngài đã nên giống loài người trong tất cả mọi sự, trừ tội lỗi.

Thiên Chúa trở nên một con người và đi vào lịch sử loài người là chỉ để nói với loài người rằng Ngài yêu thương họ và cứu rỗi họ. Ngài không yêu thương họ một cách chung chung. Ngài yêu thương mỗi một con người. Mỗi người là đối tượng của một tình yêu cá biệt của Ngài. Mỗi người đều có một chỗ đứng đặc biệt trong trái tim của Ngài. Qua tình yêu ấy, Ngài muốn nói rằng mỗi một con người là một nhân vị độc nhất vô nhị và có một phẩm giá bất khả di nhượng.

Đi vào lịch sử loài người và trở nên một giữa muôn người, Thiên Chúa đã nối kết hai giới răn mến Chúa và yêu người làm một. Không thể mến Chúa mà không yêu người. Không thể làm tổn thương con người mà không xúc phạm đến Thiên Chúa. Kể từ khi Thiên Chúa đã trở thành con người, thì lịch sử của nhân loại không thể có một hướng đi nào khác hơn bên ngoài giới răn mến Chúa yêu người ấy. Đi ra ngoài hướng đi ấy là chuốc lấy khốn khổ và hủy diệt. Đi theo hướng đi ấy là được sống và sống sung mãn.

Lạy Chúa Kitô Phục sinh, Chúa đã đi vào lịch sử để sống với chúng con và dạy chúng con biết sống xứng đáng với phẩm giá của chúng con. Xin cho chúng con luôn biết ý thức và sống xứng với phẩm giá cao cả ấy. Amen.

Duy An     

Add new comment

4 + 3 =