Phút Cầu Nguyện, Thứ Hai 10/12/2018

CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG NGƯỜI LÀM NGHỀ Y

Thánh Simon Phan Đắc Hòa (1787 – 1840)

Từ xưa đến nay, trong dân gian Việt Nam mọi người vẫn truyền cho nhau câu tục ngữ “lương y như từ mẫu.” Câu nói như nhấn mạnh sự đòi hỏi về phẩm chất - đức độ của những người trong nghề y và cũng là lời để ca ngợi họ. Tay nghề của họ phải là “lương y” nghĩa là “thầy thuốc giỏi”, tấm lòng của họ dành cho bệnh nhân phải dịu dàng, ân cần và đáng yêu như là “từ mẫu” - “mẹ hiền.” Họ phải là người vừa có tài vừa có tâm. Nghĩ về họ, chúng ta trân trọng - đồng thời chúng ta cũng cầu nguyện cho họ. Nghĩ về họ, chúng ta được mời gọi giới thiệu cho họ mẫu gương thánh tử đạo lương y Simon Phan Ðắc Hòa, và cầu nguyện xin thánh nhân phù trợ cho họ, những người chọn nghề nghiệp cao quý nhưng cũng đầy dẫy những khó khăn trong thế giới hôm nay.

Simon Phan Đắc Hòa sinh năm 1787 tại Mai Vĩnh, Thừa Thiên là một y sĩ, bị xử trảm ngày 12/12/1840 tại An Hòa dưới đời vua Minh Mạng; là con trong một gia đình ngoại giáo cha mất sớm. Nhìn vào cậu, nhiều người cho rằng cuộc đời dường như không ưu ái với cậu. Nhưng Chúa đã bù lại cho cậu những may mắn khác: cậu đã được nhận biết Chúa; cậu lại được một trí thông minh sắc sảo, một tấm lòng rất quảng đại với tha nhân và một tinh thần đạo đức sâu xa dành cho Chúa.

Khi được bầu làm trùm họ, ông Simon Phan Đắc Hòa phục vụ họ đạo trong tư cách người nâng đỡ tinh thần: ông nhắc nhở, sửa dạy, chỉ giáo đối với những ai sa ngã lầm lạc… Với nghề nghiệp y sĩ, ông phục vụ tận tình. Ông chăm sóc người bệnh như chăm sóc người thân, ông lo liệu và giúp đỡ người bệnh mà không quản ngại cũng chẳng nề hà. Khi vua Minh mạng ra chiếu chỉ cấm đạo, ông cho các đạo trưởng và các thầy giảng trú ngụ trong nhà của ông. Đức cha Cuénot Thể cũng đã trọ một thời gian. Tối ngày 13/4/1840, khi đang trên thuyền đưa Đức cha De la Motte Y đến làng Hòa Ninh, ông bị các quan phát hiện rồi đuổi theo. Quân lính bắt ông và Đức cha Y đưa về huyện Dương Xuân, rồi giải về Quảng Trị giam hai tháng, và cuối cùng điệu về Huế.

Bị giam trong ngục, nhưng vị lương y – từ mẫu Simon Hòa vẫn nhiệt tình với nghề nghiệp: ông bốc thuốc, chữa bệnh, chăm sóc phần xác cho các bạn tù; ông nâng đỡ tinh thần bằng khuyến khích các bạn tù trung thành với Chúa đến cùng. Ông tìm mọi cơ hội để nói về Chúa. Tra tấn, gông cùm, xiềng xích… không thể tách ông ra khỏi Chúa Giêsu, cũng không thể làm ông lìa bỏ hay phản bội ngài.

Mặc dù dành trọn tấm lòng cho nghề nghiệp cao quý và dành hết tinh thần cho sứ vụ phục vụ Chúa, ông cũng không quên làm tròn bổn phận với gia đình. Khi các con đến thăm ông trong nhà tù, ông khuyên nhủ: "Cha yêu thương các con và hằng chăm sóc các con. Nhưng cha phải yêu Chúa nhiều hơn, các con hãy vui lòng vâng ý Chúa, đừng buồn làm chi. Các con ở với mẹ, yêu thương nhau, và chăm sóc việc nhà. Từ đây cha không thể lo cho các con được nữa. Chúa muốn cha chịu khổ, cha xin vâng trọn."

Tấm lòng của ông như khơi lại cho con cháu tâm tình:

Uống nước thì phải nhớ nguồn

“Hiếu thảo” – hai chữ con luôn ghi lòng.

Ơn cha nghĩa mẹ biết không,

Ghi tâm khắc cốt khát mong đáp đền.

Phượng thờ Thiên Chúa trước tiên,

Sau là vâng phục thảo hiền chăm ngoan.

Lộc Thiên Chúa, phúc tràn lan,

Cho người thảo hiếu muôn vàn hồng ân!

Năm 1840, vua Minh Mạng châu phê án xử trảm, rồi bêu đầu ba ngày. Ông Simon Hòa kiên quyết tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa. Hiệp cùng với ngài, xin ngài chuyển cầu, chúng ta dâng lên Chúa lời nguyện xin cho các vị lương y:

Lạy Chúa, chúng con dâng lên Chúa những người đang phục vụ trong ngành y tế: Xin cho họ có sức khỏe và niềm vui trong phục vụ. Xin cho họ biết cộng tác với Chúa trong việc bảo vệ mạng sống của con người. Xin cho sự hy sinh, sự ân cần và nỗ lực học tập của họ được đền đáp cân xứng, được nhìn nhận và trân trọng, để họ phục vụ anh chị em đồng loại mỗi ngày một tốt hơn. Xin gìn giữ và đừng để ai trong họ đánh mất phẩm chất “lương y như từ mẫu”. Xin thánh Simon Hòa phù trợ cho họ luôn mãi. Amen

Nt. Maria Thérèse Bùi Thị Minh Thùy, O.P     

Add new comment

8 + 9 =