Phút Cầu Nguyện, Thứ Tư 10/07/2019

BÀI HỌC DÀNH CHO NGƯỜI GIÁO VIÊN GIÀ

Kính thưa quý vị, các bạn thân mến!

Trong sách Chia sẻ tâm hồn và quà tặng cuộc sống có câu chuyện như sau:

Một bà giáo già về hưu mỏi mệt cố len mình vào dòng người đang xếp thành hàng rồng rắn trước quầy thu ngân tại một siêu thị. Chân trái của bà bắt đầu đau nhức vì phải đi lại quá nhiều. Ngay sau lưng bà, cả một dòng người đang chờ đến lượt mình thanh toán. Bà để ý thấy một chàng thanh niên đi cùng với hai đứa con nhỏ và người vợ trẻ đang mang thai. Bà giáo không thể không trông thấy hình xăm trên cổ và tay của chàng trai ấy. Khuôn mặt bặm trợn cùng với chiếc áo thun bụi bặm lỗi thời và cái quần rộng thùng thình của anh ta khiến bà ngờ ngờ một điều gì đó. Bà thầm nhận xét: “Cậu ta hẳn là thành viên của một băng đảng khét tiếng nào đó chứ chẳng sai”.

Nghĩ thế nhưng vì thấy cậu ta còn có hai đứa trẻ đi cùng nên bà nhẹ nhàng đề nghị cậu ta lên trước và bước lùi lại phía sau để nhường đường cho họ.

Thật khác với suy nghĩ của người giáo viên già, người thanh niên lại khăng khăng từ chối với lý do: “Chúng con phải kính trọng người lớn tuổi chứ ạ”. Và anh ta bước nhanh sang một bên ngỏ ý nhường lối cho bà.

Bà thoáng nở nụ cười trên môi và khập khiểng bước lên phía trước. Theo thói quen xử thế của mình, bà nhất định không bỏ qua giây phút này. Bà quay lại và hỏi anh thanh niên rằng: “Ai đã dạy cậu cách cư xử lễ phép như vậy?”

Chàng thanh niên mĩm cười đáp: “Chính cô đã dạy cho con hồi lớp ba đó, cô Simpson ạ. Cô không còn nhớ con sao?”

Quý vị và các bạn thân mến!

Suốt bao năm dạy dỗ học sinh với bao bài học về đạo đức cư xử trong cuộc sống, có lẽ lần đầu tiên người giáo viên già nhận được một bài học về giá trị của cách cư xử từ chính người học trò của mình đó là không nên xét đoán người khác qua cái dáng vẻ bên ngoài của họ.

Bài học mang lại cho người giáo viên già nhiều bất ngờ thú vị khi người thanh niên trong bộ trang phục bụi bặm với những hình xăm trên thân thể đã khiến cho bà có những đánh giá không tốt đẹp về cuộc sống của anh ta lại chính là người có lối cư xử rất tốt đẹp, có văn hóa và đặc biệt lại chính là học trò thực thi rất tốt lời dạy bảo năm xưa của mình.

Cái nhìn của người giáo viên già với cậu học trò của mình cũng là cái nhìn của chúng ta trong các mối quan hệ với tha nhân. Đánh giá người khác qua hình thức bên ngoài là một sai lầm rất phổ biến trong suy nghĩ của chúng ta đối với các tha thể ngoài mình. Người Việt là có câu “quen sợ dạ, lạ sợ áo quần” cũng phản ánh tâm lý chung đó. Quả thật, tư cách, địa vị, lời nói cử chỉ của một người dễ dàng được tăng lên trong những bộ quần áo sang trọng kèm theo những phụ trang đắt tiền. Ngược lại, dưới bộ dạng nghèo khó, rách rưới, người ta chắc sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng lòng tin tưởng, tín nhiệm nơi người khác.

Nhất là trong xã hội ngày nay, với sự lên ngôi của chủ nghĩa tiêu thụ, người ta càng ngày càng khó phân biệt đâu là giá trị thực, đâu là giá trị ảo khi bị tấn công dồn dập bởi những hình thức quảng cáo được phổ biến ngày càng phong phú và đa dạng trên các phương tiện truyền thông. Người ta dễ dàng thay đổi tình cảm hay thái độ cư xử chỉ vì một làn da trắng, một mái tóc đẹp. Người ta trở nên có bản lĩnh, có tính cách khi trang bị cho mình một chiếc điện thoại thời trang, sở hữu một chiếc xe hơi đời mới hay có khi được “cả thế giới biết đến” chỉ nhờ … uống bia, miễn đó là loại bia của một hãng bia danh tiếng nào đó. Vì thế, con người càng ra sức đua nhau khẳng định giá trị bản thân bằng những hình thức được xã hội mặc nhiên công nhận.

Nhưng thực ra, không phải cái hình thức, hình dạng hay tính cách bên ngoài nhưng chính là những giá trị nội tại của lòng đạo đức, lòng nhân ái, nghị lực sống mới làm nên phẩm chất của một con người.

Trong thân phận con người, có lẽ không một ai trong chúng ta chấp nhận xuất hiện trên cõi đời này với một hình thức đơn sơ, nghèo nàn và tầm thường hơn Chúa Giêsu. Sinh ra trong máng cỏ, hang lừa. Lớn lên trong một gia đình lao động bình thường. Vì thế, khi đi rao giảng ngay chính làng quê của mình, Ngài cũng từng bị những người đồng hương phản đối khi cho rằng: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế nghĩa là làm sao? Ông không phải là bác thợ, con bà Maria và anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?  Nghĩa là trong cái nhìn của họ, cái hình thức cũng hoàn cảnh xuất thân không xứng hợp sự hiểu biết tinh thông và đạo đức của Ngài. Hay nói khác đi, nếu Ngài thuộc tầng lớp quý tộc, giàu có hay học sĩ của xã hội thì có lẽ những lời giảng của Ngài càng được tăng giá trị gấp bội phần.

 Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương từng phận người nhỏ bé của chúng con cho dù nó được ẩn chứa dưới bất cứ hình thức nào. Xin đừng để tình cảm, nhận định của chúng con về giá trị của người anh em mình tiếp xúc bị thay đổi, hoặc chi phối theo sự hào nhoáng hay sần sùi của lớp vỏ hình thức bên ngoài. Vì sách giáo lý Giáo hội Công Giáo cũng dạy chúng con rằng: “Sự tôn trọng nhân vị con người nằm trong sự tôn trọng nguyên tắc này: Mỗi người hãy coi tha nhân, không trừ ai như chính bản thân mình”. Amen.

Bình Minh     

 

Add new comment

1 + 7 =