Phút Cầu Nguyện, Thứ Tư 17/07/2019

TÔN TRỌNG VAI TRÒ CỦA CÁC ĐỒNG NGHIỆP

Có câu chuyện ngụ ngôn kể lại rằng: Một hôm, chiếc đồng hồ đeo tay đi dạo ở cổng trước nhà thờ. Nó nhìn lên tháp chuông, thấy chiếc đồng hồ rất lớn nên rất ghét. Nó nói:- Anh tưởng là anh ngon lắm hả. Thực ra cái mặt anh to quá khổ chẳng đẹp chút nào, hai cánh tay thì dài thượt như tay vượn vậy và giọng nói khào khào mà cứ kêu ầm ầm!

Giọng khàn khàn, chiếc đồng hồ lớn mỉm cười nói: - Mời em đồng hồ bé nhỏ lên đây chơi! Đồng hồ nhỏ leo lên tận tháp chuông. Khi đứng bên cạnh đồng hồ lớn và nhìn xuống đất, nó đâm hoảng sợ. Thì ra ở trên cao này nguy hiểm quá, té xuống tan xác như chơi!

Lúc đó, đồng hồ lớn khều nó mà nói: - Ở dưới có người muốn biết giờ kìa. Em đưa mặt ra cho họ xem đi. Chiếc đồng hồ nhỏ đáp: - Không được, từ đây xuống dưới xa quá, mà mặt em nhỏ xíu, ở dưới xem không thấy đâu! Chiếc đồng hồ lớn lại bảo: - Vậy thì em nói giờ cho họ nghe đi. Lắc đầu lia lịa, chiếc đồng hồ nhỏ đáp: - Cũng không được đâu anh, vì tiếng em nhỏ quá.

Khi đó chiếc đồng hồ lớn mới ôn tồn giải thích: - Đó, em thấy chưa. Em không thể làm việc của anh, mà anh cũng không thể làm việc của em. Mỗi người chúng ta ai làm việc nấy, chỉ để phục vụ cho lợi ích của con người thôi. Từ nay về sau mình đừng chỉ trích nhau nữa nhé.

Quý vị và các bạn thân mến,

Cùng là những chiếc đồng hồ với chức năng thông báo thời gian, nhưng hai chiếc đồng hồ trong câu chuyện ngụ ngôn bên trên lại có vai trò khác nhau. Với vai trò thông báo thời gian ở tít trên tháp chuông, chiếc đồng hồ lớn phải có kích cỡ và cấu tạo phù hợp với công việc ấy. Còn chiếc đồng hồ được ở đeo tay thì phải có kích thước và cấu tạo cũng phù hợp với vai trò của nó. Cho nên, thái độ công kích và so sánh với nhau là điều không nên có giữa những đồ vật có cùng chức năng này.

Khi cùng làm việc trong một tổ chức, một công ty hay cùng hợp tác với nhau trong một dự án chung nào đó, những người đồng nghiệp thường có xu hướng nảy sinh thái độ tỵ hiềm và công kích nhau. Theo tâm tính tự nhiên, nhiều người muốn khẳng định khả năng và vai trò của mình là quan trọng hơn người khác. Do vậy mà người ta hay so sánh những điều mình có với những gì người khác có hoặc chê bai công việc của người khác và đề cao những việc mình làm.

Với những vai trò và công việc của mình, mỗi người chúng ta cũng đang cùng làm việc với nhiều người khác trong nhiều lĩnh vực. Chúng ta cần rèn luyện cho mình một thái độ tôn trọng các vai trò khác nhau của những người đồng nghiệp với mình. Cho dù họ có vị trí quan trọng hay tầm thường thì sự đóng góp của họ vẫn có những ý nghĩa nào đó và đáng được chúng ta trân trọng. Thánh Phaolô đã cho chúng ta một giải pháp có thể giúp chúng ta biết tôn trọng vai trò của người khác đó chính là: “đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức” (Rôma 12,3). Ngài cũng chỉ cho chúng ta thấy được sự liên đới của chúng ta với người khác trong một mối liên hệ siêu nhiên, khi khẳng định rằng: “Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận có cùng một chức năng; tuy nhiều nhưng chỉ là một phần thân thể trong Ðức Kitô, ai nấy liên đới với nhau như những bộ phận của một thân thể” (Rôma 12, 4-5). Chúng ta cầu nguyện cho mỗi người chúng ta và tất cả những ai đang cùng cộng tác với nhau trong các môi trường làm việc luôn biết làm tròn bổn phận của mình và tôn trọng vai trò của những người cùng làm việc để giúp cho công việc được tiến triển tốt đẹp và mang lại nhiều lợi ích cho con người.

Lạy Chúa, xin đừng để thái độ ích kỷ, luôn muốn đề cao cái tôi của chính mình hủy hoại đi những mối tương quan tốt đẹp của chúng con với tha nhân. Xin Chúa giúp chúng con luôn có cái nhìn khiêm tốn, chân thật về chính mình và biết chân thành tôn trọng những khả năng và vai trò của người khác. Amen.    

 Nt. Rosa Lê Ngọc Thùy Trang, MTGCQ     

Add new comment

5 + 1 =