Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi Nga và Ucraina thương thuyết

Đức Tổng giám mục Gabriele Caccia | Vatican News

Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, Đức Tổng giám mục Gabriele Caccia, kêu gọi Nga và Ucraina hòa đàm.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Lên tiếng hôm 12 tháng Mười vừa qua, tại khóa họp ngoại thường lần thứ XI của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về sự toàn vẹn lãnh thổ của Ucraina, Đức Tổng giám mục Caccia nói rằng: “Trong những giờ qua, chúng ta đã nghe nhiều lời. Tòa Thánh lên tiếng tại diễn đàn này, trình bày một lời vắn tắt và tha thiết kêu gọi chấm dứt sự điên rồ của cuộc xung đột này, mỗi giờ qua đi, nó tước đoạt những sinh mạng vô tội và đào sâu những vết thương giữa các dân nước, phá hủy sự tín nhiệm nhau, mà trật tự quốc tế đang lệ thuộc”.

“Cách đây vài ngày, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi thống thiết: ‘Nhân danh Thiên Chúa và nhân danh cảm thức nhân loại ở trong tâm hồn mỗi người, tôi lập lại lời kêu gọi hãy đạt tới một cuộc đình chiến tức khắc. Hãy để cho tiếng súng im bặt và tìm kiếm những điều kiện để khởi sự những cuộc thương thuyết có thể dẫn đến những giải pháp không áp đặt bằng võ lực, nhưng do sự đồng thuận, công chính và bền vững”.

Đức Giáo hoàng nói rõ rằng: “Các giải pháp phải dựa trên sự tôn trọng giá trị thánh thiêng của sự sống con người cũng như chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước”.

“Đức Giáo hoàng trực tiếp kêu gọi Tổng thống Liên bang Nga và Ucraina, cũng như tất cả những người giữ vai chính trong đời sống quốc tế và các vị lãnh đạo chính trị của các quốc gia. Ngài nhấn mạnh rằng chúng ta, họp nhau tại Hội trường này, có một vai trò cần thi hành, và phải “làm tất cả những gì có thể để chấm dứt chiến tranh... không để bị lôi kéo vào những leo thang nguy hiểm, đồng thời thăng tiến và hỗ trợ những sáng kiến đối thoại”. Những lời này càng trở nên quan trọng đứng trước đe dọa leo thang hạt nhân và cần cấp thiết “có sự thay đổi tâm hồn của những người đang nắm vận mạng chiến tranh, để bão tố bạo lực được ngưng và có thể tái thiết cuộc sống chung hòa bình trong công lý”.

Đức Tổng giám mục Caccia nhận định rằng: “Sự khẳng định những nguyên tắc rõ ràng của công pháp quốc tế, - được nghị quyết đang được đề ra trước chúng ta và được ghi trong Hiến chương của Liên Hiệp Quốc, - phải được hiểu như mở đường cho một giải pháp công chính và hòa bình, chứ không phải là một phương thế để làm cho cuộc xung đột trầm trọng thêm, cuộc xung đột đã gây ra quá nhiều nạn nhân”.

“Chúng ta hãy để cho lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phaolô VI tái vang dội tại hội trường này: “Đừng bao giờ chiến tranh nữa!”

(KAI 14-10-2022)

Add new comment

2 + 2 =