Radio Veritas Asia Buick St., Fairview Park, Quezon City, Metro Manila. 1106 Philippines | + 632 9390011-15 | +6329390011-15
Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi phê chuẩn hiệp ước chống thử nghiệm hạt nhân
Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York, Đức Tổng giám mục Bernardito Auza, mạnh mẽ kêu gọi có thêm các nước phê chuẩn Hiệp Ước cấm thử nghiệm võ khí hạt nhân để Hiệp Ước này bắt đầu có hiệu lực.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Hiện nay còn thiếu sự phê chuẩn của 8 quốc gia nên Hiệp Ước chưa có hiệu lực. Đó là các nước Hoa Kỳ, Trung Quốc, Iran, Ấn độ, Pakistan, Israel, Ai Cập và Bắc Hàn.
Đức Tổng giám mục Auza đưa ra lời kêu gọi trên đây hôm 09/09/2019 vừa qua trong phiên họp cấp cao của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc nhân Ngày Quốc Tế chống các cuộc thử nghiệm võ khí hạt nhân, Ngày quan trọng này được đề xướng để gia tăng ý thức và giáo dục quần chúng về ảnh hưởng của các vụ thử nghiệm võ khí hạt nhân đối với con người đồng thời nhắm kiến tạo những điều kiện cần thiết để tiến tới một sự cấm toàn diện việc thí nghiệm các võ khí hạt nhân, để có một thế giới không còn võ khí này.
Đức Tổng giám mục Auza nhắc lại rằng vụ thử nghiệm võ khí hạt nhân đầu tiên, rất tiếc nó được mệnh danh là “Trinity”, Chúa Ba Ngôi, và diễn ra tại sa mạc bang New Mexico, Hoa Kỳ. Và tiếp theo đó là hơn 2 ngàn vụ thử nghiệm loại võ khí này do 8 quốc gia tại 4 châu lục và vùng Thái Bình Dương. Trước khi xảy ra những thử nghiệm ấy, Tòa Thánh đã từng lên tiếng bày tỏ lo âu sâu xa vì việc sử dụng năng lượng hạt nhân như bạo lực và từ đó Tòa Thánh không ngừng kêu gọi cấm các vụ thử nghiệm võ khí như thế.
Đức Tổng giám mục Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở New York đề cao sự đơn phương ngưng thử nghiệm võ khí hạt nhân từ năm 1998 và còn được tiếp tục, ngoại trừ những vụ thí nghiệm do Bắc Hàn thực hiện. Tuy nhiên sự tạm ngưng như thế không thể được coi là một sự thay thế lâu dài cho Hiệp Ước cấm thử nghiệm võ khí hạt nhân. Và Đức Tổng giám mục Auza kết luận rằng:
“Bất kỳ vụ thử nghiệm võ khí hạt nhân đều có ảnh hưởng hết sức tiêu cực vì nó làm cho chúng ta càng xa lìa mục tiêu “một thế giới không còn võ khí hạt nhân”. Vì thế, cộng đồng quốc tế cần dấn thân làm tất cả những gì cần thiết để những vụ thử nghiệm võ khí hạt nhân hoàn toàn bị liệt vào quá khứ”. (Sala Stampa 10-9-2019)
Add new comment