Đại diện Tòa Thánh tại tổ chức OSCE bênh vực tự do ngôn luận

Đức ông Janusz Urbańczyk | archivioradiovaticana.va

Đại diện Tòa Thánh tại Tổ chức An ninh và Cộng tác Âu châu, gọi tắt là OSCE, bênh vực tự do ngôn luận, nhưng đồng thời cổ võ sự thông tin ngay thẳng và minh bạch, kể cả qua các mạng xã hội, trong tinh thần trách nhiệm.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Tổ chức OSCE qui tụ 57 nước Âu châu, Hoa Kỳ và Canada, và có trụ sở tại Vienne, thủ đô Áo. Trong bài tham luận hôm 22/6/2020 vừa qua, về đề tài tự do ngôn luận, trong tương quan với tự do tôn giáo và sự tôn trọng các cộng đoàn, Đức ông Janusz Urbańczyk, trưởng đoàn Tòa Thánh, đã nhấn mạnh tới hai điểm: bảo vệ và trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, và khẳng định rằng:

Bảo vệ tự do của các cơ quan truyền thông

“Để làm cho sự thật, tự do, công lý và tình liên đới tiến triển trong xã hội, các phương tiện truyền thông, dưới bất kỳ hình thức nào, phải được bảo vệ và bảo đảm tự do, như cộng đồng quốc tế nhìn nhận. Đồng thời cần nhìn nhận rằng tự do ngôn luận, như một quyền con người, cũng có những trách nhiệm không thể làm ngơ không biết đến”.

Qui trọng tâm vào con người và cộng đoàn

Vị trưởng phái đoàn Tòa Thánh tái khẳng định nền tảng luân lý đạo đức của các phương tiện truyền thông trong xã hội, qui trọng tâm vào “con người và cộng đoàn” là mục đích và là mẫu mực cho việc sử dụng các phương tiện truyền thông để phát triển con người toàn diện, vì “các phương tiện truyền thông không làm gì một mình; chúng là những phương tiện được sử dụng theo cách thức con người chọn lựa sử dụng chúng”.

Chống lợi dụng tự do ngôn luận để tấn công

Đức ông Urbanczyk đặc biệt nhấn mạnh rằng: “Một điều không thể chấp nhận được, là nấp sau tự do ngôn luận để biện minh cho sự kỳ thị, đố kỵ hoặc bạo lực chống lại một tôn giáo hoặc các tín hữu. Tự do ngôn luận phải bao gồm sự tôn trọng và không gian dành cho các ý kiến khác nhau, không tiên thiên loại trừ những cuộc thảo luận phê bình hoặc những thảo luận nghiêm túc về tôn giáo. Tòa Thánh kêu gọi các cơ quan truyền thông chu toàn trách nhiệm, trình bày chính xác và lương thiện về các vấn đề tôn giáo để các thành phần cộng đoàn có thể biểu lộ các ý kiến của họ, và khích lệ sự phát triển những đường hướng đặc thù”.

Cổ võ trao đổi các ý kiến, kể cả lập trường các tôn giáo

Sau cùng, Đức ông trưởng phái đoàn Tòa Thánh tải bày tỏ mong ước các phương tiện truyền thông xã hội có đặc tính bao gồm và khích lệ những trao đổi ý tưởng, các quan điểm: cần để cho các đại diện các cộng đoàn tôn giáo được tham gia các buổi thảo luận công cộng đề bày tỏ quan điểm, dựa trên những xác tín luân lý đi từ tín ngưỡng của họ, và như thế có thể góp phần vào đời sống của các nước liên hệ.

(Vatican News 23-6-2020)

Add new comment

2 + 0 =