Đức giám mục giáo phận Regensburg bày tỏ lo âu vì căng thẳng trong Giáo hội tại Đức

Đức Giám mục Rudolf Voderholzer | Foto: Bistum Regensburg

Sau Đức Hồng y Rainer Maria Woelki, Tổng giám mục giáo phận Koeln, đến lượt Đức cha Rodolf Voderholzer, giám mục giáo phận Regensburg, ở miền nam Đức, bày tỏ lo âu trước những căng thẳng và rạn nứt trong Giáo hội Công giáo tại Đức, mà “Con đường Công nghị” có thể gây ra.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Con đường này khởi sự từ ngày 1/12 năm ngoái và dự kiến sẽ kết thúc vào năm tới, với sự tham dự của 280 đại biểu, tiến hành qua bốn diễn đàn về bốn lãnh vực khác nhau, như: quyền bính trong Giáo hội, đời sống linh mục, luân lý tính dục và phụ nữ với các thừa tác vụ.

Tuyên bố hôm 29/9/2020 vừa qua, trong cuộc phỏng vấn dành cho đài phát thanh Kitô “Radio Horeb”, Đức cha Vorderholzer nói: “Một loạt những đòi hỏi mà các thành viên Con đường Công nghị nêu lên và được báo chí nhấn mạnh thêm, tạo nên những mong đợi lớn trong dư luận. Nhưng hiển nhiên là, những đòi hỏi đó trái ngược với Giáo huấn của Giáo hội, vì thế chúng có nguy cơ dẫn tới chia rẽ và rạn nứt.”

Như một ví dụ, Đức giám mục giáo phận Regensburg nói đến đòi hỏi truyền chức linh mục cho phụ nữ, trái ngược với phán quyết chung kết của Giáo hội về vấn đề này, qua Tông thư “Ordinatio sacerdotalis”, Truyền chức linh mục, do Đức Thánh cha Gioan Phaolô II ban hành, trong đó ngài khẳng định rằng “Giáo hội không có quyền thay đổi điều mà Chúa Giêsu đã làm”.

Hiện nay, có một trào lưu mạnh mẽ tại Đức đòi truyền chức cho phụ nữ để vượt thắng tình trạng họ gọi là “không tôn trọng sự bình đẳng nam nữ.”

Hồi trung tuần tháng Chín vừa qua, Đức Hồng y Woelki cũng cảnh giác chống lại viễn tượng nảy sinh một Giáo hội Công giáo quốc gia Đức, và nói rằng: “Điều tệ hại nhất, là nếu Con đường Công nghị dẫn tới sự ly khai khỏi Giáo hội Công giáo hoàn vũ và trở thành một Giáo hội quốc gia”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức cha Vorderholzer phê bình những phe nhóm trong Giáo hội tại Đức, không muốn Giáo hội là “muối đất”, và ngài nói rằng “Trong tư cách là Giáo hội, chúng ta không được mời gọi trở thành “đường ngọt”, chiều theo mọi hình thức của thời đại, trái lại chúng ta phải đi ngược dòng xã hội trong ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa, tuy rằng trong Giáo hội luôn luôn cần sự cải tổ, vì mỗi người, trong trọn cuộc sống, đều phải đáp lại lời mời gọi hoán cải của Chúa Giêsu”.

(KNA 29-9-2020)

Add new comment

1 + 1 =