Radio Veritas Asia Buick St., Fairview Park, Quezon City, Metro Manila. 1106 Philippines | + 632 9390011-15 | +6329390011-15
Đức Hồng y Koch thay Đức Thánh cha chủ sự Kinh Chiều bế mạc Tuần đại kết
Lúc 5 giờ 30 chiều, ngày 25/1/2021, Đức Hồng y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã thay mặt Đức Thánh cha chủ sự buổi hát Kinh Chiều trọng thể, tại Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc Tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.
G. Trần Đức Anh, O.P.
Đức Thánh cha bị đau thần kinh tọa từ cuối tuần qua, nên ngài đã không thể chủ sự thánh lễ Chúa nhật Lời Chúa 24/1, và buổi tiếp kiến của ngài dành cho ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, dự kiến sáng thứ Hai 25/1 cũng bị dời lại.
Tuần cầu nguyện đại kết năm nay đã tiến hành từ ngày 18/1 vừa qua, với chủ đề: “Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy: các con sẽ sinh nhiều hoa trái” (xc. Ga 15,5-9).
Hiện diện tại buổi cầu nguyện, có đại diện của các cộng đoàn Kitô khác, các chức sắc Chính thống, Anh giáo và Tin lành, cùng với một số tín hữu hạn chế vì đại dịch.
Bài giảng của Đức Thánh cha
Sau bài đọc ngắn, Đức Hồng y Koch, người Thụy Sĩ, đã đọc bài giảng của Đức Thánh cha quảng diễn đề tài tuần cầu nguyện hiệp nhất năm nay, rút từ hình ảnh gốc nho và các ngành: Chúa là gốc nho và tất cả chúng ta, các tín hữu đã chịu phép rửa được tháp nhập vào Chúa như các ngành với gốc nho: chúng ta chỉ có thể sinh hoa trái nếu kết hiệp với Chúa Giêsu.
Đức Thánh cha viết: “Chiều hôm nay, chúng ta hãy nhìn tới sự hiệp nhất không thể thiếu được, nó có nhiều cấp độ. Khi nghĩ đến cây nho, chúng ta có thể hình dung sự hiệp nhất được ba vòng đồng qui tạo nên, như ba vòng của một gốc cây”.
Ở lại trong Chúa
Vòng thứ nhất ở trong cùng là “ở lại trong Chúa Giêsu”: Chúa biết rõ “nếu không có Ngài thì chúng ta chẳng làm được gì” (xc. v.5). Chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta: mỗi ngày Chúa lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện. Chúng ta cần cầu nguyện như cần nước để sống. Cầu nguyện riêng, ở với Chúa Giêsu, thờ lạy, đó là điều thiết yếu để ở trong Chúa”.
Liên kết với các Kitô hữu khác
Vòng tròn thứ hai là “hiệp nhất với các Kitô hữu”. Chúng ta là những ngành của cùng một cây nho, chúng ta là những bình thông nhau: điều thiện và điều ác mà mỗi người làm đều đổ sang người khác. Và rồi trong đời sống thiêng liêng có “luật năng động: chúng ta đến gần tha nhân tùy theo mức độ chúng ta ở lại trong Chúa và tùy theo mức độ chúng ta đến gần tha nhân, chúng ta ở lại trong Chúa”. Kinh nguyện chỉ có thể mang đến tình yêu, nếu không nó chỉ là lễ nghi phù phiếm. Thực vậy, không thể gặp Chúa Giêsu mà không gặp Thân Mình của Ngài, gồm nhiều chi thể, nhiều như các tín hữu đã chịu phép rửa. Nếu sự thờ lạy của chúng ta là chân thực, thì chúng ta sẽ tăng trưởng trong tình yêu thương đối với tất cả những người theo Chúa Giêsu, bất luận họ thuộc hệ phái Kitô nào, vì cho dù họ không thuộc chúng ta, nhưng họ cũng là chi thể của Chúa”.
Đức Thánh cha nhận xét rằng: “Yêu mến anh chị em không phải là dễ dàng, vì ta thấy ngay những lỗi lầm và thiếu sót của họ, và chúng ta nhớ lại những vết thương quá khứ. Tại đây, hoạt động của Chúa Cha đến giúp chúng ta, như một nhà nông lành nghề (xc. Ga 15,1), biết rõ mình làm gì: cắt tỉa những cành không mang lại hoa trái, và vun xới để cành sinh thêm hoa trái.” Đức Thánh cha viết: “Vì thế chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha cắt tỉa khỏi chúng ta những thành kiến về người khác và những gắn bó trần tục ngăn cản sự hiệp nhất với mọi con cái của Chúa. Được thanh tẩy trong tình yêu như thế, chúng ta sẽ biết đặt xuống hàng thứ yếu những cản trở trần tục và những chướng ngại quá khứ, làm cho chúng ta ngày nay xa lìa Tin mừng”.
Yêu thương tất cả mọi người
Sau cùng, vòng tròn thứ ba là toàn thể nhân loại. Về điểm này, Đức Thánh cha nói về hoạt động của Chúa Thánh Linh, Đấng thổi nơi nào Người muốn. “Chúa Thánh Linh đưa chúng ta đến chỗ yêu thương, không những người yêu mến chúng ta, suy nghĩ như chúng ta, nhưng yêu tất cả mọi người, như Chúa Giêsu dạy. Chúa Thánh Linh làm cho chúng ta có thể tha thứ cho kẻ thù và tha thứ những thiệt thòi bất công đã chịu. Chúa thúc đẩy chúng ta tích cực và có tinh thần sáng tạo trong tình yêu, nhắc nhở chúng ta rằng tha nhân không phải chỉ là người chia sẻ các giá trị và ý tưởng của chúng ta, nhưng chúng ta còn được kêu gọi trở nên người thân cận của mọi người, trở nên những người Samaritano nhân lành của một nhân loại dễ bị tổn thương, nghèo túng và đau khổ đang nằm bên vệ đường của thế giới mà Thiên Chúa muốn nâng dậy với lòng cảm thương”.
Trong phần cuối của bài giảng, Đức Thánh cha chào thăm đại diện các cộng đoàn Kitô đã đến dự buổi cầu nguyện bế mạc Tuần hiệp nhất này và cả các sinh viên Chính thống và Chính thống Đông phương, đang học ở Roma với sự trợ giúp của Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, cũng như các giáo sư và sinh viên Học viện Đại kết Bossey, gần Genève, Thụy Sĩ, lẽ ra cũng có mặt tại buổi cầu nguyện này, như mọi năm, nhưng không đến được vì đại dịch...
(Rei 25-1-2021)
Add new comment