Đức Hồng y Parolin đề cao chủ đích của Đức Thánh Cha khi thăm Thái Lan

Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Thái Lan nhắm củng cố đoàn chiên bé nhỏ tại nước này và góp phần làm nổi bật tầm quan trọng của cuộc đối thoại liên tôn.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tuyên bố như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Quan sát viên Roma (Oss. Rom.) của Tòa Thánh, trước khi lên đường, tháp tùng Đức Thánh Cha trong chuyến tông du tại Thái Lan và Nhật Bản.

Tiếp nối bước chân các thừa sai

Đức Hồng y Parolin cũng nhận xét rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đến Thái Lan với “một mối quan tâm đặc biệt vì các thừa sai Dòng Tên là những người đầu tiên mang Tin Mừng đến nước này hồi giữa thế kỷ 16, và có thể nói ngài theo bước các vị đại thừa sai đã loan báo Tin Mừng và gieo vãi đức tin tại đất nước này. Rồi sau đó đến các thừa sai Phanxicô, Đa Minh. Đây là một Giáo Hội đã chịu đau khổ nhiều và đã được tái thiết nhiều lần. Ngày nay Giáo Hội tại Thái là một cộng đoàn triển nở, có gần 400 ngàn tín hữu, chia thành 11 giáo phận. Điều quan trọng là Đức Thánh Cha nhấn mạnh chủ đề cuộc viếng thăm tại Thái Lan là chủ đề “Môn đệ Thừa Sai của Chúa Kitô” ... Ngài muốn nhấn mạnh chiều kích loan báo Tin Mừng, một điều mà các tín hữu ngày càng phải ý thức hơn nữa.

Mong đợi của Đức Thánh Cha

Về những mong đợi của Đức Thánh Cha từ cuộc viếng thăm tại Thái Lan và Nhật Bản, Đức Hồng y Parolin cho biết: “Theo quan niệm của Đức Thánh Cha về vị mục tử, ngài hy vọng được gần những người được ủy thác cho ngài và ngài muốn chia sẻ phần nào mọi khía cạnh của cuộc sống: những vui mừng, chờ đợi, hy vọng, và cả những buồn sầu, đau khổ, mâu thuẫn... Tôi tin rằng Đức Giáo Hoàng thực hiện cuộc viếng thăm với những mong đợi ấy, những mong đợi của một mục tử đồng hành, và đôi khi đi trước hoặc đi sau đoàn chiên, và qua những cuộc gặp gỡ với các Giáo Hội địa phương, Đức Thánh Cha gióng lên những sứ điệp có giá trị đối với toàn thế giới và Giáo Hội. Sứ điệp về truyền giáo như một yếu tố cấu thành kinh nghiệm Kitô, đề tài bảo vệ thiên nhiên - chúng ta hãy nghĩ đến thông điệp Laudato sì, đề tài hòa bình, nhất là trong một thế giới bị chia rẽ và phân hoá, xung đột như hiện thời”.

(Oss. Rom. 18/19-11-2019

Add new comment

2 + 6 =