Đức Hồng y Parolin: Tòa Thánh tiếp tục đóng góp phần của mình cho hòa bình tại Ucraina

Đức Hồng y Pietro Parolin | AFP or licensors

“Cần có những sáng kiến để kiến tạo một nền hòa bình công chính cho Ucraina. Tòa Thánh sẽ tiếp tục đóng góp phần của mình”.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Trên đây là lời tuyên bố, hôm 17 tháng Năm vừa qua, của Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tại Hội nghị Thượng đỉnh thứ IV của Hội đồng Âu châu, nhóm tại Reykjavik, thủ đô quốc đảo Iceland.

Đức Hồng y Parolin nói: “Rất tiếc là chiến tranh tại Ucraina tỏ cho chúng ta thấy rằng sự hăng say tìm kiếm một nền chính trị cộng đồng và củng cố những chính sách đa phương dường như nay đang thuộc về ký ức dĩ vãng, dường như ta đang chứng kiến sự tàn lụi đau buồn của giấc mơ hòa bình”.

“Chúng ta không thể thụ động chấp nhận một cuộc chiến tranh xâm lược tiếp tục. Chúng ta phải tiếp tục nghĩ đến nhân dân Ucraina đang chịu đau khổ và đề ra những sáng kiến để kiến tạo một nền hòa bình công chính cho Ucraina. Tòa Thánh sẽ tiếp tục thi hành phận sự của mình”.

Đức ông Marco Ganci, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Hội đồng Âu châu, có trụ sở tại Strasbourg bên Pháp, giải thích với hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Ý, ngày 17 tháng Năm vừa qua, rằng: “Trong Hội nghị Thượng đỉnh thứ IV này của các vị quốc trưởng và thủ tướng chính phủ, cả Tòa Thánh cũng hiện diện với một phái đoàn do Đức Hồng y Parolin, Quốc vụ khanh, hướng dẫn. Tham dự hội nghị, có 46 quốc gia thành viên. Đây là Hội nghị Thượng đỉnh thứ IV, kể từ khi Hội đồng Âu châu được thành lập cách đây 74 năm (1949). Sự hiện diện này chứng tỏ Tòa Thánh quan tâm và đề cao tầm quan trọng của các hoạt động của Hội đồng này, nhất là những vấn đề được thảo luận liên quan đến tình trạng và sự hỗ trợ cho Ucraina, cũng như vấn đề các trẻ em Ucraina bị đưa sang Nga.

“Tòa Thánh cũng quan tâm đến đề tài hòa bình, vốn thuộc nền tảng của Hội đồng Âu châu. Với khả năng của mình, Tòa Thánh luôn tìm cách góp phần tích cực trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình, vì chúng ta luôn phải nghĩ đến tất cả những người đang đau khổ và chết chóc”.

Đức ông Ganci cũng cho biết một đề tài quan trọng khác tại Hội nghị Thượng đỉnh là việc bảo vệ môi trường, để tìm cách bảo vệ căn nhà chung của chúng ta, một điều được Tòa Thánh cổ võ, đặc biệt qua giáo huấn trong thông điệp Laudato sì của Đức Thánh cha Phanxicô.

(Sir 17-5-2023)

Add new comment

10 + 1 =