Đức Hồng y Quốc vụ khanh kêu gọi liên kết để đẩy mạnh giáo dục

Đức Hồng y Pietro Parolin | Vatican News

Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, kêu gọi cải tiến nền giáo dục trên thế giới, đặt con người, các giá trị và phẩm giá ở trung tâm mọi nỗ lực huấn luyện.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Đức Hồng y bày tỏ lập trường trên đây, trong bài tham luận hôm 19 tháng Chín vừa qua, tại Hội nghị Thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục, tiến hành tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ.

Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh nhắc đến mối quan tâm nguyên thủy của Giáo hội Công giáo, luôn gắn liền việc loan báo Tin mừng với sự thông truyền kiến thức, văn hóa và khoa học, thoạt đầu qua các đan viện như trung tâm văn hóa và qua vô số các trường học. Hiện nay, Giáo hội Công giáo còn đảm trách gần 220.000 trường học và 1.365 đại học rải rác ở năm châu, với hơn 70 triệu học sinh và sinh viên.

Với xác tín nhờ giáo dục chúng ta có thể nỗ lực kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn, vài tháng trước khi đại dịch Covid-19 bộc phát, Đức Thánh cha Phanxicô đã phát động Hiệp ước toàn cầu về giáo dục (Global Compact on Education), nhắm nhấn mạnh rằng giáo dục là “một trong những phương thế hữu hiệu nhất làm cho thế giới và lịch sử chúng ta trở nên nhân bản hơn”.

Để tiến hành quan điểm toàn diện về giáo dục, Đức Thánh cha mời gọi các tổ chức giáo dục trên thế giới duyệt lại các dự án giáo dục và học trình của mình với những điểm nhấn mạnh như:

- Đặt con người trong các giá trị và nhân phẩm ở trung tâm mọi nỗ lực giáo dục, chính thức cũng như không chính thức;

- Lắng nghe tiếng nói của các trẻ em và người trẻ mà chúng ta truyền đạt các giá trị và kiến thức, để cùng nhau xây dựng một tương lai công bằng, hóa bình và một cuộc sống xứng đáng với mỗi người;

- Khuyến khích sự tham gia hoàn toàn của các trẻ nữ và phụ nữ vào việc giáo dục;

- Coi gia đình như nơi đầu tiên và thiết yếu trong việc giáo dục;

- Giáo dục và được giáo dục về nhu cầu đón nhận và đặc biệt cởi mở đối với những người ở trong tình trạng dễ bị tổn thương nhất;

- Tìm ra những con đường mới để hiểu về kinh tế, chính trị, sự tăng trưởng và tiến bộ nhắm phục vụ con người và gia đình nhân loại trong khuôn khổ một nền sinh thái học toàn diện;

- Bảo tồn và vun trồng căn nhà chung của chúng ta, bảo vệ nó chống lại nạn bóc lột các tài nguyên, phù hợp với các nguyên tắc phụ đới (subsidiarity), liên đới, và nền kinh tế tuần hoàn (circular economy).

(Holyseemission.org, sismografo 19-9-2022)

Add new comment

7 + 9 =