Đức Hồng y Sako dè dặt với cuộc viếng thăm của Tổng thống Pháp

Le dimanche 29 août, le président français Emmanuel Macron en visite à Mossoul, en Irak. | AFP or licensors

Đức Hồng y Louis Raphael Sako, Thượng phụ Giáo hội Công giáo Canđê tại Irak, tỏ ra dè dặt về cuộc viếng thăm mới đây của Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, tại Irak từ ngày 27 đến 29/8/2021 vừa qua.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Tổng thống Macron đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh miền tại thủ đô Baghdad, hôm 28/8 về cuộc chiến chống khủng bố và ảnh hưởng của biến cố Taliban chiếm trọn Afghanistan. Chiều thứ Sáu trước đó, 27/8, ông đã viếng Đền thánh Al Nuri của Hồi giáo Shiite, và Chúa nhật 29/8 ông thăm thành phố Mosul đã bị Nhà nước Hồi giáo IS tàn phá, để tái khẳng định sự ủng hộ đối với các tín hữu Kitô Đông phương, trước khi đến miền Kurdistan để gặp chủ tịch miền tự trị này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo hôm 31/8/2021, Đức Hồng y Sako nhận định rằng: “Hội nghị thượng đỉnh tại Baghdad với sự tham dự của Tổng thống Pháp là một biến cố quan trọng, một dấu hiệu mạnh nói lên sự ủng hộ đối với Irak và hành trình của nước này tìm lại sự ổn định. Nhưng rồi có những lúc khác trong cuộc viếng thăm của Tổng thống, nhất là việc ông đến thành Mosul, có những cử chỉ và lời nói không thích hợp đối với nhiều người Irak và có nguy cơ nuôi những hiểu lầm”.

Theo Đức Hồng y Sako, cuộc viếng thăm của Tổng thống Pháp là “vội vã và chuẩn bị kém”. “Có một quan niệm nay đã lỗi thời về những cuộc viếng thăm của các vị lãnh đạo Tây phương tại các vùng khủng hoảng, coi mình như những người có thể giải quyết các xung đột và những tình trạng suy thoái từ lâu.... Chúng tôi đã thấy bao nhiêu “sứ vụ chính trị và quân sự tây phương ở Trung Đông, chúng tôi đã thấy bao nhiêu lời hứa hẹn giúp đỡ, nhưng rốt cục tất cả chỉ là những lời trống rỗng, nếu không tệ hơn. Chúng ta hãy nghĩ đến những gì xảy ra ở Afghanistan. Chúng ta hãy nghĩ đến bao nhiêu lời hứa gần đây tại Liban, một nước vẫn tiếp tục vật lộn trong một cuộc khủng hoảng rất trầm trọng. Thực tế là các nước Tây phương không thể làm gì cả, nhất là hiện nay tất cả đều đang bận tâm giải quyết các vấn đề kinh tế của họ và tập trung tài nguyên của họ vào cuộc chiến chống đại dịch. Thật là sai lầm khi chờ đợi nơi Tây phương sự cứu thoát và giải quyết các vấn đề. Sai lầm này đã có những hậu quả tai hại cả khi có liên quan tới những cộng đoàn Kitô tại Trung Đông”.

Đức Hồng y Sako đặc biệt phê bình một “quan niệm cố hữu về Tây phương là những cường quốc bảo vệ các tín hữu Kitô tại các miền khác trên thế giới. Đó là một huyền thoại đã gây ra bao nhiêu thiệt hại. Có vài lúc trong cuộc viếng thăm của Tổng thống Macron ở thành Mosul, người ta thấy huyền thoại ấy lại tái xuất hiện. Trong thành phố bị tàn phá ấy, Tổng thống Pháp đã viếng thăm nhà thờ Công giáo Latinh, là “Nhà thờ Đức Bà Giờ”, từ lâu vẫn do các cha dòng Đa Minh tỉnh dòng Pháp coi sóc. Đức Hồng y nhận xét: “Trong cuộc viếng thăm tại đó, những người đối thoại với Tổng thống Macron là những người Âu, và cả các GM Irak hiện diện dường như là khách mời. Người ta thấy có một bầu không khí thân mật giữa những người Âu châu đồng hương, trái ngược với bầu khí lạnh lùng khi Tổng thống Pháp viếng thăm Đại giáo đường Hồi giáo ở Al Nuri. Một số Imam Hồi giáo Sunnit đã phê bình cuộc viếng thăm của ông Macron, khi biến cố này còn đang diễn ra. Điều mà tôi muốn nói là ước muốn đầu tiên của chúng tôi mong được thấy các tín hữu Kitô, đã bỏ gia cư trốn chạy khỏi phần đất này, được hồi hương. Cần giúp tái lập môi trường sống chung hòa hợp giữa các cộng đoàn chủng tộc và tín ngưỡng, như trước đây ở Mosul. Về phương diện này, cuộc viếng thăm của Tổng thống Pháp không giúp ích, và đó là một cơ hội không những bị uổng phí, trái lại nó có nguy cơ nuôi dưỡng sự nghi kỵ đối nơi những người Hồi giáo”.

(Fides 31-8-2021)

Add new comment

8 + 10 =