Đức Hồng y Turkson: Lương thực cho tất cả mọi người với giá phải chăng

Đức Hồng y Peter Turkson | Vatican News

Trong cuộc hội luận trực tuyến, hôm 26/5/2021 vừa qua, Đức Hồng y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ phát triển nhân bản toàn diện, kêu gọi tiến tới lý tưởng làm sao để tất cả mọi người có thể đạt được lương thực với giá phải chăng.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Cuộc hội luận quốc tế có chủ đề là: “Công lý lương thực: lao công, canh tân và tài chánh phục vụ công lý lương thực”. Sinh hoạt này diễn ra trong khuôn khổ cử hành năm Laudato sì, nhân dịp kỷ niệm sáu năm công bố Thông điệp này của Đức Thánh cha Phanxicô, về việc bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại. Tham dự và lên tiếng trong cuộc hội luận, có các vị đại diện ngoại giao cạnh tổ chức Lương Nông Quốc Tế-FAO, Chương trình lương thực thế giới PAM và Quỹ quốc tế phát triển nông nghiệp, IFAD, cả ba tổ chức này đều có trụ sở ở Roma.

Trong diễn văn khai mạc cuộc hội luận, Đức Hồng y Turkson, người Ghana, nhấn mạnh rằng tình trạng bất an về lương thực hiện nay trên thế giới do những bất công, và theo tổ chức FAO, hiện nay có hơn 150 triệu người sống trong tình trạng bất an về lương thực. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói trong sứ điệp Video nhân Ngày Thế giới về lương thực năm ngoái (2020), rằng: “Đối với nhân loại, nạn đói không phải chỉ là một thảm trạng, nhưng còn là một ô nhục. Phần lớn nó do sự phân phối chênh lệnh những hoa trái của trái đất. Thêm vào đó có sự thiếu đầu tư trong lãnh vực nông nghiệp, những hậu quả của sự thay đổi khí hậu và gia tăng xung đột tại nhiều miền trên thế giới.

Đức Hồng y nói: “Tình trạng bất an về lương thực là một tai ương cũng do sự thiếu những tiến trình chính trị dân chủ, sự tàn phá môi trường và đánh mất các loại sinh vật khác nhau. Để vượt thắng những bất công trong lãnh vực này, cần bảo vệ quyền có lương thực của dân chúng và thăng tiến những hệ thống lương thực lâu bền, không để ai bị thụt lùi đằng sau”.

Và Đức Hồng y Turkson kết luận rằng: “Bảo đảm cho tất cả mọi người có thể đạt được lương thực với giá phải chăng và công bình, đó là một vấn đề công bằng xã hội, chăm sóc môi sinh và xây dựng một nền kinh tế thực sự qui trọng tâm vào con người”.

(Vatican News 26-5-2021)

Add new comment

4 + 1 =